Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Kỹ năng nghề phải dựa trên sự an toàn, đó là kỹ năng quan trọng nhất

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Kỹ năng nghề phải dựa trên kỹ năng an toàn. Nghĩa là không phải làm nhanh, mà là làm đúng, làm an toàn, đó mới là kỹ năng quan trọng nhất”, ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động nói.

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức chương trình phát động Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 2024 với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”.

IMG-5833.JPG
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương phát động Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 2024. (Ảnh: Nguyễn Thanh).

 

Phát biểu tại lễ phát động, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, công tác thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên là một trọng tâm cần tập trung thực hiện.

Trong đó, sẽ dựa trên 4 "nhà": Nhà doanh nghiệp với vai trò là "người đặt hàng"; Nhà nước với vai trò là nhà quản lý; Nhà trường là nguồn cung cấp nhân lực, với vai trò là động lực phát triển nguồn nhân lực; và Nhà báo mang vai trò lan tỏa, truyền thông thông điệp, ý nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định, sẽ không thể có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển nếu không có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp.

“Tại sao năng suất lao động của Việt Nam chưa được đánh giá cao dù có một đội ngũ lao động thông minh, năng động, cần cù, chịu khó?”, bà Hương đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh việc cần tập trung cải thiện vấn đề kỹ năng lao động, đặc biệt là đội ngũ nòng cốt là thanh niên.

ky-nang-nghe.jpg
Kỹ năng nghề phải dựa trên kỹ năng an toàn. Nghĩa là không phải làm nhanh, mà là làm đúng, làm an toàn, đó mới là kỹ năng quan trọng nhất. (Ảnh minh họa: ITN).

 

Theo TS Lê Văn Chương Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), hiện lực lượng lao động nước ta vào khoảng 52,4 triệu người, chiếm 52% dân số cả nước, đứng tốp 15 thế giới và tốp 3 trong ASEAN. Trong đó, lao động trẻ chiếm đại đa số, do đó lao động thanh niên cần được quan tâm về đào tạo kỹ năng nghề.

Đặc biệt khi nước ta đang trong giai đoạn “dân số vàng” - một giai đoạn quan trọng về nhân lực của Việt Nam, nếu không tận dụng được sẽ gặp khó khăn để bứt phá đi lên, TS Lê Văn Chương nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là trình độ học vấn bậc đại học, mà còn cả lực lượng trực tiếp lao động, sản xuất.

“Mỗi người lao động là một hạt nhân của sự phát triển, một người lao động tăng kỹ năng nghề, tăng thu nhập, mang tiền về nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, và mỗi gia đình phát triển là xã hội phát triển”, ông Phạm Văn Sơn nói.

Ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, năng lực của lao động chất lượng cao không có nghĩa là lao động có học vấn cao, trình độ cao, hay chỉ đơn thuần lấy số lượng giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư để đánh giá về chất lượng lao động.

Nhắc đến số liệu nhiều người tử vong trên toàn thế giới hằng năm liên quan tai nạn lao động, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, con số này còn kinh khủng hơn cả số người chết do các cuộc xung đột trên thế giới hiện tại.

“Như vậy để thấy được ý nghĩa của từ "hòa bình", để hiểu kỹ năng nghề phải dựa trên kỹ năng an toàn. Nghĩa là không phải làm nhanh, mà là làm đúng, làm an toàn, đó mới là kỹ năng quan trọng nhất”, ông Thơ nói.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chọn ngày 16/7 hằng năm là ngày kỷ niệm chính thức của ngành thang máy. 

Tin liên quan