Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Mục tiêu việc làm tốt, thu nhập cao và mở rộng các chính sách an sinh

Bùi Minh
Bùi Minh

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động thông qua việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề và mở rộng các chính sách an sinh xã hội.

Mục tiêu việc làm tốt, thu nhập cao và mở rộng các chính sách an sinh - 1
Các đại biểu tham gia hội nghị (Ảnh: BM).

Chiều 20/9, tại TP Đà Nẵng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Theo đó, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động. 

Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho lao động không có quan hệ lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lao động tìm việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề… 

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập. Trong đó, một số các quy định, chính sách của Luật Việc làm năm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành;

Chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, cũng như những quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; các chính sách về việc làm bền vững bộc lộ các vấn đề không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. 

Đặc biệt, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; thiếu các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong phát triển kỹ năng nghề… 

Xuất phát từ những lý do, yêu cầu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Luật Việc làm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Mục tiêu việc làm tốt, thu nhập cao và mở rộng các chính sách an sinh - 2
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung các chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững... (Ảnh minh hoạ: BM).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến đối với Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nội dung, như: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; quản lý Nhà nước về việc làm.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều. So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn, như: Sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; bổ sung quy định về đăng ký và quản lý lao động; 

Sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; các chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững; bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử…