Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Lương “khủng”, doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng nhân sự IT

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong bối cảnh nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số, nhu cầu nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) - phần mềm luôn ở mức cao. Đãi ngộ tốt, nhu cầu lớn, tuy nhiên, tuyển dụng nhân sự IT luôn là “bài toán khó” với nhiều doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

IT thuộc nhóm ngành được trả mức lương cao nhất tại Việt Nam 

Nếu không tính cấp bậc giám đốc, trung bình mức lương người làm trong ngành IT - phần mềm ở Việt Nam dao động từ 9 đến 40 triệu đồng - thông tin được chia sẻ trong báo cáo thị trường tuyển dụng 2024 do Công ty cổ phần TopCV Việt Nam công bố.

Theo đó, ở cấp bậc nhân viên/chuyên viên có từ 1 đến 4 năm kinh nghiệm, người làm IT - phần mềm có mức lương dao động từ 9 đến 22 triệu đồng/tháng.

cong nghe so.jpg
Mức lương cao nhưng rất khó tuyển được kỹ sư phần mềm giỏi.

Với vị trí cao hơn là trưởng nhóm, mức lương mà họ có thể nhận nằm trong khoảng từ 19 đến 33 triệu đồng. Nếu lên được vị trí quản lý hoặc trưởng phòng, những người làm việc trong ngành IT - phần mềm có thể hưởng mức lương từ 22 đến 40 triệu đồng. 

Ngay cả với vị trí thực tập sinh, người làm trong ngành IT cũng có thể nhận được mức thù lao từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Trong khi, nhân viên IT mới ra trường (dưới 1 năm kinh nghiệm) nhận mức lương phổ biến trong khoảng 8 đến 15 triệu đồng. 

Ở vị trí quản lý, lương của giám đốc công nghệ cũng được trả cao nhất, dao động trong khoảng 60 đến 142 triệu đồng. Mức này cao hơn nhiều so với giám đốc nhân sự (49,5 đến 90 triệu đồng), giám đốc kinh doanh (60,5 đến 120 triệu đồng) và giám đốc tài chính (50,5 đến 105) triệu đồng.

Xét trong 12 nhóm ngành nghề được khảo sát, từ vị trí trưởng nhóm trở xuống, mức lương của ngành IT - phần mềm hiện ở vị trí top 1.

Đáng chú ý, nếu có từ 4 - 6 năm kinh nghiệm, nhân sự làm IT - phần mềm hưởng lương cao hơn từ 18 - 83% so với các ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh, bán hàng, truyền thông, marketing, quảng cáo, giáo dục, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, ngân hàng, tài chính, y tế, dược... 

Với cấp bậc quản lý, trưởng phòng, mức lương của người làm IT xếp ở vị trí thứ 2, chỉ đứng sau lĩnh vực bảo hiểm (thấp hơn 25%), trong khi bỏ xa các ngành nghề còn lại (cao hơn từ 14 - 82%).

Trong lĩnh vực IT, mức lương cũng có sự khác biệt lớn giữa các nhóm ngành nghề. Theo đó, nhóm ngành phần mềm, phát triển ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, hỗ trợ người dùng và quản lý dự án có mức lương cao nhất. 

Cụ thể, ở nhóm ngành phần mềm và phát triển ứng dụng, mức lương của người làm lập trình web, lập trình game, lập trình nhúng và lập trình ứng dụng dao động từ 15 đến 36 triệu đồng nếu có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm. Với 3 - 5 năm kinh nghiệm, họ có thể nhận mức lương từ 24 đến 50 triệu đồng, trên 5 năm      kinh nghiệm sẽ là từ 36 đến 60 triệu đồng. 

Với nhóm ngành hot như cơ sở dữ liệu và điện toán đám mây, nhân sự sẽ nhận được từ 16 đến 30 triệu đồng/tháng nếu có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm. Số tiền này sẽ tăng lên từ 27 đến 60 triệu đồng nếu họ có 3 - 5 năm kinh nghiệm.

Nếu làm các công việc như quản trị dự án, nhân viên cầu nối, mức lương cho vị trí này dao động từ 12 đến 50 triệu đồng với nhân sự 1 - 3 năm kinh nghiệm. Họ có thể nhận mức lương 26 đến 57 triệu đồng nếu có kinh nghiệm từ 3 - 5 năm. 

Các mảng ngành nghề thuộc lĩnh vực IT khác như: Chuyên viên bảo mật, quản trị viên hệ thống, chuyên gia mạng, chuyên viên dữ liệu... thường có mức lương thấp hơn một chút so với các nhóm ngành trên. Tuy vậy, mức lương cơ bản cho lao động có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm cũng từ 12 đến 36 triệu đồng và 15 đến 48 triệu đồng với 3 - 5 năm kinh nghiệm. 

Theo đánh giá của mạng lưới tuyển dụng TopCV, cùng với kinh doanh/bán hàng, IT - phần mềm là nhóm ngành "khát" nhân lực nhất tại Việt Nam. Đây cũng là 2 nhóm ngành có số lượng đăng tải thông tin tuyển dụng nhiều nhất trong năm 2023. Năm 2024, IT - Phần mềm cũng là một trong những nhóm ngành mục tiêu tiếp theo mà các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng.

Lương cao vẫn khó tuyển

Câu hỏi “Vì sao mức lương “khủng”, đãi ngộ tốt mà vẫn khó tuyển nhân sự IT” được đặt ra trong nhiều năm nay. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có 2 nguyên nhân đáng chú ý là thiếu hụt nhân sự có chất lượng và tỷ lệ nhảy việc cao trong nhóm ngành này. 

Có thể nói, chất lượng nhân sự là vấn đề  lớn nhất dẫn tới tỷ lệ tuyển được nhân viên chính thức trong ngành IT còn tương đối thấp. Khối ngành IT luôn có tính đặc thù, đòi hỏi ứng viên phải trải qua quá trình dài tích lũy kinh nghiệm và học hỏi kiến thức. Vì thế, số lượng ứng viên có thể rất nhiều nhưng số người đủ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm lại ít, dẫn đến việc tuyển dụng ở ngành này gặp khó khăn.

Cũng vì tỷ lệ ứng viên chất lượng cao ít nên tỷ lệ cạnh tranh tuyển dụng trong ngành này tương đối cao. Nghĩa là, một ứng viên giỏi có thể được săn đón bởi nhiều nhà tuyển dụng khác nhau. Dù đã làm việc tại một doanh nghiệp ổn định, ứng viên IT vẫn có thể chuyển việc nếu tìm được môi trường làm việc phù hợp hoặc nhận được mức đãi ngộ hấp dẫn hơn từ doanh nghiệp khác.  

Điều này làm cho các doanh nghiệp phải đối mặt với việc tìm kiếm và đào tạo nhân sự mới, gây khó khăn trong việc duy trì sự ổn định và sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, nhân lực phần mềm có nhiều, nhưng càng thiếu nhiều và các nước đang phát triển thậm chí còn thiếu nhiều hơn. Nguồn nhân lực IT đang thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta. Đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao và rất cao như: AI, chip, IoT, big data, kỹ thuật xe điện…

Theo Bộ TT&TT, mỗi năm Việt Nam sẽ tăng 13% nhu cầu tuyển dụng về IT. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển công nghệ số, nhu cầu nhân lực là rất lớn và không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực IT Việt Nam vẫn chưa khắc phục được là có một tỷ lệ cao chưa đáp ứng được chất lượng và chuyên môn sâu về công nghệ cho  doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, nếu không “khoảng trống” này sẽ bị lấp đầy bởi nhân sự nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc…

Hà Phương

Báo Lao động Xã hội số 79