Không chỉ giúp phân luồng và hướng nghiệp hiệu quả, mô hình 9+ đã từng bước đáp ứng được nguyện vọng của gia đình và người học: Rút ngắn thời gian học, tiết kiệm chi phí và vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp hoặc cao đẳng cùng một lúc.
Kỳ I: Qua rồi thời rớt đại học mới đi học nghề
Hơn 10 năm trước, học nghề được gắn mác là nơi dành cho người rớt đại học. Thế nhưng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có việc làm ít hơn so với số học nghề trong những năm gần đây đã khiến học nghề và đặc biệt là học hệ 9+ đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp.
Thành công từ học hệ 9+
Những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký theo học hệ 9+ ngày càng tăng, điều đó minh chứng cho chất lượng đào tạo của các trường nghề cũng như nhận thức của xã hội về học nghề đã thay đổi.
Trên thực tế, nhiều lao động trẻ lựa chọn học nghề 9+ đã gặt hái được thành công. Có thể kể đến trường hợp Nguyễn Đắc Huynh (học sinh lớp 11C hệ văn hóa, lớp trung cấp nghề sửa chữa và lắp ráp máy tính K11), Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội).
16 tuổi, Đắc Huynh đã đoạt giải Nhất Kỳ thi Kỹ năng nghề TP Hà Nội; giải Ba Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 với nghề lắp cáp mạng thông tin; đồng thời, được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021. Nhờ vững tay nghề, Huynh còn có nguồn thu nhập từ việc đi làm thêm khi còn đang học.
Chia sẻ với phóng viên, Nguyễn Đắc Huynh cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THCS năm 2019, em nộp hồ sơ ứng tuyển học nghề chương trình 9+ với nghề sửa chữa máy tính, khoa điện - điện tử (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội).
Sở dĩ em đăng ký học hệ 9+ vì tại đây em vừa được học văn hóa, vừa được học nghề; rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí cho ba mẹ. Hơn hết, em sẽ được theo học một nghề do chính mình lựa chọn để sớm lập thân, lập nghiệp”.
Một tấm gương tiêu biểu khác là Phạm Đình Mạnh Quân cũng đã đạt được những kết quả đáng tự hào ngay khi học năm đầu tiên tại trường. Em đã được cấp Chứng chỉ xuất sắc nghề lắp cáp mạng thông tin tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020.
Mạnh Quân cho biết: “Em học văn hóa không giỏi nên xác định hết chương trình THCS, em sẽ học nghề. Thật may, khi đăng ký theo học hệ 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã giúp em được học song song cả văn hóa và nghề.
Em nhận thức được rằng, đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời. Thay vào đó từ rất sớm, sau THCS, em đã chọn học một nghề mà mình yêu thích. Bởi em tin rằng có nghề sẽ có tương lai”.
Đến nay, cả Nguyễn Đắc Huynh và Phạm Đình Mạnh Quân đã tốt nghiệp hệ cao đẳng. Hiện Huynh đã tự tạo việc làm bằng cách mở cửa hàng sửa chữa điện thoại, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác.
Đồng thời, cửa hàng của em là một trong những điểm thực tập cho học sinh, sinh viên nghề lắp ráp và sửa chữa máy tính. Còn Quân cũng đang là nhân viên của Công ty Zinga Việt Nam với mức thu nhập trung bình 12 triệu đồng/tháng.
Không chỉ xuất sắc trong học nghề, nhiều học sinh hệ 9+ vẫn rất giỏi học văn hóa, đã xuất sắc đoạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp TP Hà Nội (năm học 2020 - 2021). Đó là Khuất Mạnh Quân (lớp 12C2) đoạt giải Nhì môn hóa và Hồ Nhật Hưng (lớp 12C5) đoạt giải Ba môn toán. Khuất Mạnh Quân đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Công đoàn Hà Nội.
Đặc biệt, em Nguyễn Viết Sơn (nghề thiết kế trang web, khoa công nghệ thông tin khóa 9, lớp văn hóa 12C5) với chứng chỉ 7.5 IELTS và kết quả 3 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi đã được xét tuyển thẳng vào khoa công nghệ thông tin (Đại học Thủy lợi Hà Nội).
Gần đây nhất, nam sinh hệ cao đẳng 9+ Trần Thành Đô (nghề công nghệ thông tin - ứng dụng phần mềm, khoa công nghệ thông tin khóa 12; lớp văn hóa 12C6) đã đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liên tiếp cấp THPT (hệ song bằng) tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và 2 lần chinh phục 7.5 IELTS, đã xuất sắc trúng tuyển vào Đại học Kinh tế Quốc dân (chương trình đào tạo Cử nhân chính quy LA TROBE, chuyên ngành: Tài chính và quản lý) mặc dù chưa dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024.
Những điển hình trên đã khẳng định hiệu quả của mô hình đào tạo nghề 9+. Rõ ràng, nét ưu việt của mô hình 9+ đã giúp học sinh tiệm cận được với thị trường lao động sớm hơn và thành công sớm hơn.
Lợi ích thiết thực
Có thể thấy, mô hình đào tạo hệ 9+ mang lại lợi ích thiết thực, là một trong những con đường lập nghiệp cho giới trẻ, nhất là trong điều kiện cạnh tranh thi vào THPT công lập tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM rất khốc liệt hiện nay.
Đây cũng là cách phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh rất hay trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”, vừa giúp người học rút ngắn thời gian, giảm chi phí học tập lại được sớm tiếp cận với thị trường lao động…
Chính vì vậy, con đường này ngày càng được nhiều thí sinh, gia đình lựa chọn. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng mở rộng ngành nghề đào tạo xã hội cần và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm tạo cơ hội cho thí sinh.
Phân tích những lợi ích khi học hệ 9+, Nhà giáo Ưu tú, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Học chương trình 9+, học sinh được miễn phí học nghề, thời gian đào tạo ngắn. Thay vì học 3 năm THPT rồi sau đó học đại học thêm 4 năm, học hệ 9+, học sinh chỉ mất 2,5 năm cho 2 chương trình học song song (THPT + trung cấp/cao đẳng).
Với bằng trung cấp/cao đẳng, các em hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường lao động, đi làm theo ngành nghề đã tốt nghiệp. Nhà trường còn có học bổng cho những em có kết quả học tập đầu vào cao, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn;
Đồng thời hỗ trợ chỗ ở trong ký túc xá với mức ưu đãi; bố trí cho học sinh 9+ từ năm học thứ hai đi thực tập tại doanh nghiệp và được trả lương. Đó chính là lý do những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký theo học chương trình 9+ tại trường ngày càng tăng”.
Kỳ 2: Vì sao phụ huynh và học sinh chưa mặn mà với hệ 9+?
Thùy Hương
Báo Lao động Xã hội số 58