Theo Nikkei Asia, việc đồng yên liên tục giảm giá trị so với đồng USD thời gian qua đang khiến Chính phủ nước này chạy đua tìm biện pháp ứng phó.

Một ước tính cho thấy, các gia đình ở Nhật Bản phải đối mặt với mức tăng chi phí hàng năm lên tới 90.000 yên (570 USD) do giá thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tăng cao, trong khi đồng nội tệ trượt giá làm sức mua suy giảm.
Nhiều công ty đang gặp khó khăn khi đồng yên suy yếu với câu hỏi làm thế nào để thuê và giữ chân người lao động nước ngoài trong bối cảnh nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số. Ngay cả khi Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế về thị thực lao động, đồng tiền trượt giá đồng nghĩa người lao động nhập cư sẽ kiếm được ít hơn.
Một số công ty buộc phải tăng lương để thu hút lao động nước ngoài và chuyển phần chi phí này cho người tiêu dùng, gây ra áp lực lạm phát.
Ví dụ, năm 2023, Bears - nhà cung cấp dịch vụ dọn phòng Nhật Bản vốn phụ thuộc một phần vào lực lượng lao động trẻ từ Philippines, đã tăng phí dịch vụ lần đầu tiên sau 18 năm, lên tới 20%.
Tuy nhiên, theo Nikkei, về lâu dài, biện pháp tăng lương có thể không phải là phương án khả thi tại các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp, mức độ cạnh tranh cao.
“Mức lương của tôi vẫn giữ nguyên”, Spandan Sunar, 27 tuổi, công dân Nepal nói. Sunar làm việc tại một công ty vận tải ở Chiba, phía đông Tokyo và từng gửi khoảng 50.000 yên (hơn 8,2 triệu đồng) mỗi tháng về cho gia đình khi anh mới sang Nhật Bản vào năm 2018.
Để gửi số tiền tương đương vào thời điểm hiện tại, Sunar sẽ phải gửi 80.000 yên mỗi tháng (13,2 triệu đồng), vượt quá khả năng của anh. Điều đó có nghĩa anh sẽ gửi ít tiền hơn về Nepal so với trước đó. Ngoài ra, do áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, số tiền anh tiết kiệm hàng tháng cũng giảm. Anh nói: “Người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề thu nhập thấp".
Sunar cho biết, bạn bè của anh lao động ở Mỹ và Australia thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, với Sunar, việc từ bỏ chỗ làm hiện tại không dễ dàng vì anh sẽ lãng phí thời gian nhiều năm học tiếng Nhật cũng như thích nghi với cuộc sống ở đây.
Theo khảo sát năm 2024 của Công ty nhân sự Mynavi Global, 91% sinh viên và người lao động nước ngoài sống tại Nhật Bản cho biết, muốn ở lại nước này. Nhưng con số này đã giảm 5,8% so với năm 2022. Lý do hàng đầu được nêu ra là đồng yên trượt giá.
Ngoài ra, mức lương ở Nhật Bản từ lâu vẫn không tăng do bị ảnh hưởng bởi hàng thập niên giảm phát và tăng trưởng thấp.
Thu nhập trung bình hàng tháng của lao động ở Nhật Bản là 2.800 USD (gần 71 triệu đồng), thấp hơn so với 4.600 USD (116,5 triệu đồng) tại Mỹ hoặc 3.483 USD (88,2 triệu đồng) tại Singapore, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế vào năm 2021.
Việc đồng yên trượt giá khiến tình hình trở nên thách thức hơn. Đầu năm 2013, 1 USD đổi được 130 yên, nhưng tới tháng 7, con số này là 160 yên.
Một số công ty đã đưa ra các điều kiện làm việc linh hoạt hơn để tuyển dụng nhân viên nước ngoài hiệu quả. Dịch vụ thanh toán PayPay của Nhật Bản đã và đang cho phép nhân viên làm việc từ xa để thu hút kỹ sư tài năng.
Tuy nhiên, giải pháp này có thể không phù hợp với những công việc đòi hỏi tay nghề thấp hơn.
Hiroo Yamanouchi, đối tác và người đứng đầu bộ phận tư vấn nghề nghiệp tại Mercer Japan cho biết: “Những người lao động có mức lương tương đối thấp, như thực tập sinh kỹ thuật, công nhân trong ngành dịch vụ và sản xuất bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đồng yên trượt giá”.
Ông Shinji Yamazaki tại Công ty nhân sự Career-tasu cảnh báo, nếu lương không tăng và đồng yên tiếp tục trượt giá, có thể dẫn đến sự sụt giảm số lượng người muốn đến Nhật Bản trong tương lai. Ngoài ra, việc đồng yên yếu khiến nhiều công ty Nhật Bản khó tuyển dụng người vào làm các vị trí cấp cao.
Đức Hoàng (theo Nikkei)
Báo Lao động và Xã hội số 92