Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao những tháng cuối năm

Trần Huyền
Trần Huyền

Kinh tế cả nước đang từng bước phục hồi, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, ngày càng mở rộng sản xuất, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhất là những tháng cuối năm.

Tín hiệu khả quan của thị trường lao động những tháng cuối năm

7 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục "bứt phá" với nhiều điểm sáng, trong đó thị trường lao động duy trì đà phục hồi. 

Điều này thể hiện qua tỉ lệ giải quyết việc làm ở các địa phương được cải thiện; số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

anh dai dien.jpg
Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao những tháng cuối năm (Ảnh minh họa: CV).

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng Cục Thống kê) chia sẻ, dự báo trong quý III và những tháng cuối năm thị trường lao động tiếp tục có những tín hiệu khả quan.

"Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, trong vòng 10 năm trở lại đây tăng gần 1 triệu người, chính vì vậy lực lượng lao động được bổ sung tăng thêm gần 600.000 người. 

Thu nhập bình quân tháng người lao động tiếp tục được cải thiện, tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những điểm tích cực của thị trường lao động Việt Nam.

Thông thường vào quý 4 hàng năm, nhiều doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động thường cao hơn quý trước, tăng trong dịp tết Nguyên đán và được ghi nhận qua nhiều năm".

Nhằm phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao;

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó xác định thị trường lao động đóng vai trò trọng yếu của nền kinh tế như các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản…

6 tháng cuối năm, TPHCM nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao

Tại tỉnh Bình Dương: 7 tháng đầu năm nay, trên địa bàn có 3.200 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 41.000 lao động. Các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng lớn trong cuối năm nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao tại các nhà máy sản xuất ở Bình Dương.

Doanh nghiệp chuyên sản xuất đế giày thể thao xuất khẩu. Với những tín hiệu tích cực từ các đơn hàng, từ giờ đến cuối năm, mục tiêu của doanh nghiệp là giữ vững thị trường, phát triển thêm thị trường mới.

Hiện thực hóa mục tiêu ấy, điều mà doanh nghiệp đang chú trọng là phải giữ được ổn định nguồn lao động và đảm bảo thu nhập cho công nhân.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng lao động đã tăng 27% so với cùng kỳ. Hiện số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tại tỉnh Bình Dương là trên 1,038 triệu người, tăng 4,7%. Trong khi đó, số người nhận bảo hiểm thất nghiệp đã giảm 7,4%.

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương từ giờ đến cuối năm ước tính khoảng 40.000-50.000 lao động. Các lĩnh vực như may mặc, điện tử, gỗ, và ép nhựa đều đang tích cực tuyển dụng lao động phổ thông, tạo ra một làn sóng việc làm mới.

Để đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp, ngành lao động Bình Dương đang liên kết với nhiều địa phương khác mở phiên giao dịch việc làm để kịp thời kết nối nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Tại Đồng Nai: Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có gần 1.900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thông tin tuyển dụng lao động với gần 5.000 vị trí việc làm.

Trong đó nhiều doanh nghiệp giày da, dệt may đã khôi phục sản xuất và tuyển lao động số lượng lớn. Để đáp ứng nguồn lực cho các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai đã kết nối, giới thiệu việc làm tại các sàn giao dịch việc làm cho hơn 3.800 lượt lao động.

Theo đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng đã bắt đầu khởi sắc hơn so với năm 2023, do đó nhiều đơn vị phải bố trí nhân sự về các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên tuyển lao động.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện các giải pháp thu hút nhân lực, đồng thời nâng cao phúc lợi để giữ chân lao động, nhất là ngành giày da, may mặc…

Tại TP. Hồ Chí Minh: Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi), 6 tháng cuối năm 2024, Thành phố cần  153.500-161.500 chỗ làm việc. Các vị trí tuyển dụng nhiều ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.

Cụ thể, nhu cầu nhân lực TP. Hồ Chí Minh tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ cần 102.676-108.027 chỗ làm việc, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng cần 50.701-53.343 chỗ làm việc, chiếm 33,03% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần 123-129 chỗ làm việc, chiếm 0,08%.

Trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm cần 23.961-25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61% tổng nhu cầu. Cụ thể, nhu cầu của ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,99%.

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần 92.161-96.965 chỗ làm việc, chiếm 60,04% tổng nhu cầu. 

Tin liên quan