Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) vừa có báo cáo thị trường lao động quý III và dự báo nhu cầu nhân lực quý IV tại thành phố. Theo đó, Falmi dự báo thị trường lao động 3 tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, các đơn vị trên địa bàn cần 78.000 - 83.000 chỗ làm việc, tập trung tuyển dụng ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cần 12.000 - 13.000 chỗ làm việc, chiếm hơn 15% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành cơ khí vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 6,67% tổng nhu cầu nhân lực. Nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần khoảng 47.000 - 50.000 chỗ làm việc, chiếm gần 61% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 25,24% tổng nhu cầu nhân lực.
Về trình độ, các doanh nghiệp (DN) cần khoảng 68.000 - 77.000 lao động đã qua đào tạo, chiếm hơn 87% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,66%; cao đẳng 22,56%; trung cấp 24,77%; sơ cấp 19,47%. Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông cần khoảng 9.800 - 10.500 chỗ làm việc, chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,54% tổng nhu cầu nhân lực.
Tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội dự báo, thời gian tới, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao so với tháng trước như: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,2%; hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ tăng khoảng 2,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 4%. Bên cạnh đó, các nhóm ngành: Du lịch, lưu trú ăn uống, nghệ thuật, giải trí... cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Tuy nhiên, một số nhóm ngành lại giảm nhu cầu tuyển dụng lao động so với tháng trước như: Hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hành chính, dịch vụ hỗ trợ.
Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, thời gian tới, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục triển khai các kế hoạch, giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ để hỗ trợ DN và người lao động. Bên cạnh đó, trung tâm hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở; tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động...
Tại tỉnh Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH cho biết, các lĩnh vực như may mặc, điện tử, gỗ và ép nhựa đều ích cực tuyển dụng lao động phổ thông, tạo ra làn sóng việc làm mới. Để đáp ứng nhu cầu, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đang liên kết với nhiều địa phương mở phiên giao dịch việc làm để kịp thời kết nối nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Dự báo từ nay đến cuối năm, tỉnh cần khoảng 20.000 - 25.000 lao động, chủ yếu lao động có tay nghề.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, để đáp ứng nhu cầu lao động cho DN cũng như nhu cầu việc làm của người lao động, Sở đã chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động - DN; tăng cường tuyên truyền thông tin và lịch mở các phiên giao dịch việc làm cụ thể đến các DN, người lao động trên địa bàn. Ngành lao động cũng đăng tải thông tin trên website, Zalo OA, Facebook, treo banner các tuyến đường, tư vấn trực tiếp... và thông tin đến Trung tâm DVVL các tỉnh khác về lịch mở phiên giao dịch để kịp thời kết nối.
Ngoài ra, Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương tiếp tục liên kết lao động tại một số tỉnh Tây Nam bộ như: Trà Vinh, Cà Mau, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long... đẩy mạnh liên kết với các tỉnh Tây Nguyên như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk để đem nguồn cung lao động về cho tỉnh.
Tại Đồng Nai, Sở LĐ-TB&XH tỉnh dự báo trong những tháng cuối năm, toàn tỉnh có gần 1.400 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động với gần 40.000 người. Trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 40%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 10%, còn lại có chứng chỉ nghề, sơ cấp và trung cấp chuyên nghiệp.
Các lĩnh vực, ngành nghề tuyển lao động nhiều là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất dệt may, giày da, thiết bị công nghiệp, các sản phẩm từ gỗ. Vị trí được tuyển dụng nhiều như: Thợ may, thợ chế biến thực phẩm, thợ vận hành máy, thợ cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử… Ngoài lao động phổ thông, các DN tìm kiếm lao động kỹ thuật, có tay nghề, nhất là ngành cơ khí chế tạo.
Nhận định về thị trường lao động những tháng cuối năm, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, vào quý IV hàng năm, DN gia tăng sản xuất kinh doanh, kéo theo thu nhập bình quân của người lao động thường cao hơn quý trước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Đây sẽ là những động lực để phát triển thị trường lao động trong những tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hà Châu
Báo Lao động và Xã hội số 116