Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thách thức và cơ hội việc làm trong kỷ nguyên số

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nền kinh tế dựa trên nền tảng số mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc làm, quan hệ lao động và kỹ năng của người lao động. Chính sách lao động, việc làm phù hợp với xu hướng mới trong kỷ nguyên số sẽ góp phần tận dụng, phát huy tác động tích cực, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước các tác động tiêu cực.

Thay đổi lớn về cung - cầu và cơ cấu lao động

Kỷ nguyên số gắn liền với những đột phá về công nghệ đã và đang phát triển với một tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới. Các chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, khi máy móc dần thay thế con người.

Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó, nhất là khi lực lượng lao động còn rất dồi dào nhưng lại thiếu năng lực và kỹ năng.

Tri tue nhan tao.jpg
Nhờ có “trí tuệ”, robot ngày càng trở nên khéo léo. (Ảnh minh họa)

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tương lai việc làm toàn cầu thay đổi nhanh chóng bởi sự tiến bộ công nghệ, sản xuất và công việc ngày càng chuyên môn hóa, các mối quan hệ việc làm và sự gia tăng việc làm dễ bị tổn thương với sự chênh lệch về giới trong thị trường lao động.

Tại một số nền kinh tế trong khu vực, công nghệ mới sẽ được áp dụng triệt để trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Điều này có thể sẽ dẫn tới sự cắt giảm số lượng lớn những lao động ở trình độ thấp. 

Tại Thái Lan, riêng ngành sản xuất ô tô, hơn 60% lao động được trả lương và 73% lao động đang đối mặt nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Tại Việt Nam, 75% lao động ngành điện tử và 86% lao động ngành dệt may, da giày cũng trong tình trạng đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

Các chuyên gia cho rằng, kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động và ảnh hưởng tới hầu hết ngành kinh tế với những mức độ khác nhau. Ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành thâm dụng lao động như may mặc, điện tử.

Đây là các ngành có số lượng công nhân lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn nên sẽ gặp nhiều thách thức khi tự động hóa ngày càng gia tăng. Việt Nam là nước có nhiều ngành sử dụng nhiều lao động nên thách thức lại càng thể hiện rõ, đặc biệt là khi chúng ta đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ hội cho những việc làm mới

Trong khi nhiều việc làm có thể mất đi thì số hóa và công nghệ cũng đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm khi nhiều lĩnh vực mới xuất hiện. Công nghệ có thể tạo ra hoặc thay đổi việc làm khi những cải tiến mới có thể giúp dịch chuyển người lao động sang những ngành nghề sẽ hình thành trong tương lai. Một số công việc cũ mất đi và một số công việc mới sẽ xuất hiện.

Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, để đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình dịch vụ ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, có 60,9% doanh nghiệp đã bổ sung vị trí việc làm/công việc mới, đặc biệt các công việc yêu cầu về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp thương mại, du lịch, khách sạn...

Ngân hàng Thế giới cho rằng, số lượng việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, Việt Nam ước tính có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại và một số lượng việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.

Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo điều này phụ thuộc vào thực tế lực lượng lao động trong nước có đủ kỹ năng phù hợp thông qua các nền tảng số hay không trong khi việc làm truyền thống mất đi có thể xảy ra ngay lập tức. Mặt khác, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động dưới tác động của chuyển đổi số là vấn đề nổi cộm.

Theo ông Andree Mangels, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động.

Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, đồng thời cũng cần xây dựng một chiến lược đào tạo có tầm nhìn dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và cả những vị trí sẽ xuất hiện trong tương lai.

“Dưới tác động kép của đại dịch và kỷ nguyên số, thế giới việc làm tại Việt Nam trong tương lai sẽ chứng kiến những thay đổi lớn liên quan đến người lao động và địa điểm, cách thức làm việc.

ld tay nghe cao.jpg
Kỷ nguyên số đòi hỏi lao động Việt Nam phải tiếp tục cải thiện về trình độ và kỹ năng.

Những xu hướng nổi bật như tầm quan trọng ngày càng lớn của lực lượng lao động thời vụ/ngắn hạn, nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực làm việc cho nhân viên thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng, hoặc việc triển khai ngày càng rộng rãi mô hình làm việc linh hoạt… sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới”, ông Andree Mangels nhận định.

Hiện tỷ lệ lao động kỹ năng cao của Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh hơn về trình độ kỹ năng so với một số thị trường khác trong khu vực như: Thái Lan, Philippines, Malaysia.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng 2 triệu việc làm tại nước ta sẽ bị mất đi tính đến năm 2045. 

Trong bối cảnh đó, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Điều chỉnh chính sách lao động - việc làm phù hợp xu hướng mới

Theo TS Chử Thị Lân (Viện Khoa học Lao động và Xã hội), trước những tác động của kỷ nguyên số với thị trường lao động chúng ta cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp với sự thay đổi bản chất của việc làm, quan hệ việc làm và kỹ năng hiện nay.

Trước hết là các chính sách về lao động - việc làm, cần phải quy định phù hợp với đặc điểm, yêu cầu mới về tính linh hoạt của việc làm về thời gian, quan hệ lao động, nơi làm việc, điều kiện làm việc và bảo đảm việc làm.

Theo đó, cần nghiên cứu làm rõ mối quan hệ việc làm qua các hình thức tổ chức làm việc khác nhau, điều chỉnh khái niệm về lao động, quan hệ lao động phù hợp với tình hình mới. 

Quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc của những loại hình công việc mới. Quy định về tiền lương tối thiểu phù hợp với sự gia tăng chênh lệch về tiền lương và thu nhập giữa nhóm lao động. 

Quy định về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo bao phủ các nhóm đối tượng, xem xét mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc đối với người lao động là cộng tác viên, lao động bán thời gian vì loại lao động này có xu hướng tăng trong tương lai.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả công tác quản trị thị trường lao động. Mức độ biến động về quy mô, phạm vi và loại việc làm cũng như kỹ năng nghề nghiệp mà thị trường đòi hỏi sẽ diễn ra liên tục.

Điều này đòi hỏi công tác thu thập, nắm bắt, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động cần phải được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng và kịp thời. Công tác dự báo đòi hỏi phải có độ chính xác cao cả trong phạm vi ngắn, trung và dài hạn. 

Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thông tin về tính kịp thời, tính kết nối thông tin...

Thứ ba là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường lao động.

Giáo dục và đào tạo sẽ phải chuyển đổi phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ: Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phát triển hài hòa với các nhóm kỹ năng, kỹ năng làm việc số, làm việc với công nghệ cần phải được chú trọng; đẩy mạnh giáo dục trực tuyến kết hợp với việc sử dụng phần mềm, công nghệ hình ảnh. 

Đào tạo tâm thức cho người lao động chuẩn bị thay đổi với các thách thức nghề nghiệp trong tương lai.

“Chính sách lao động, việc làm phù hợp với xu hướng mới trong kỷ nguyên số sẽ góp phần tận dụng, phát huy tác động tích cực, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước các tác động tiêu cực của số hóa và công nghệ đem lại”, TS Chử Thị Lân nhấn mạnh.

Tỷ lệ lao động kỹ năng cao của Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh hơn về trình độ kỹ năng so với một số thị trường trong khu vực như: Thái Lan, Philippines, Malaysia.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng 2 triệu việc làm tại nước ta sẽ bị mất đi tính đến năm 2045.

 

Diệu Ngọc

Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5