Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Phát triển năng lực tư duy cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số

(VTE) - Đứng trước xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đổi mới giáo dục trở thành yếu tố then chốt để phát triển kỹ năng và tư duy cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Sự thay đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mà còn góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.

Đổi mới căn bản, toàn diện

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội; tuy nhiên, chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển năng lực tư duy cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số - 1
(Ảnh: Phú Cường).

Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa  XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong đó, một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng;

Chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Để tăng cường hơn nữa quyết tâm đổi mới giáo dục, ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Theo đó, sẽ tập trung đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của kinh tế - xã hội, của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giáo dục là nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, do đó, nâng cao dân trí thông qua giáo dục là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong thời đại số hóa, giáo dục cần chuyển mình để trang bị cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn các kỹ năng mềm, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo.

Cốt lõi của đổi mới giáo dục là dạy và học hướng tới hoạt động học tập chủ động, phát huy tính tích cực, tự giác và sáng tạo của học sinh.

Phương pháp này giúp học sinh tự học, tự rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức, từ đó tạo động lực và niềm vui trong học tập. Đồng thời, việc tôn trọng sự khác biệt và thúc đẩy góc nhìn đa chiều sẽ khơi dậy hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa.

Phát triển năng lực tư duy trong kỷ nguyên số

Phát triển năng lực tư duy cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số - 2
Giáo dục phổ thông đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Ảnh: Đ.L).

Năng lực tư duy bao gồm nhiều kỹ năng như kỹ năng ra quyết định, cách đặt câu hỏi, lên kế hoạch và tổ chức thông tin… 

Phát triển năng lực tư duy giúp học sinh chủ động và độc lập trong học tập và cuộc sống. Các quốc gia phát triển như Phần Lan, Mỹ, Singapore và Canada đã áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại này, tập trung vào kỹ năng mềm như: Xử lý tình huống, tư duy phản biện, sáng tạo…

Phát triển năng lực tư duy thể hiện sự chuyển đổi về giá trị cốt lõi của các chương trình giáo dục trước những thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên 4.0. Thay vì chỉ tập trung vào lượng kiến thức được học tại trường, các đơn vị giáo dục chú trọng về khung năng lực phổ thông của học sinh.

Từ đó, xây dựng những chương trình học phù hợp, giúp học sinh phát triển những kỹ năng mềm mang tính ứng dụng cao như xử lý tình huống và thử thách, tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm.

Chìa khoá phát triển tư duy và kỹ năng

Đổi mới mục tiêu giáo dục nhằm hướng đến phát triển con người toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ.

Mục tiêu này chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, bao gồm tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin và tư duy sáng tạo. Nội dung giáo dục cần được tinh giản, thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường lao động.

Đổi mới giáo dục là chìa khóa để phát triển tư duy và kỹ năng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Việc thay đổi phương pháp dạy và học, phát triển năng lực tư duy, điều chỉnh mục tiêu và nội dung giáo dục, cùng với vai trò quan trọng của giáo viên, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của học sinh.

Đây là nhiệm vụ cấp thiết để Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và kỷ nguyên số.

Một số kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học. Trường học đã thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên chủ động sáng tạo hơn, học sinh tự tin chủ động hơn, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản. 

Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới. 

Việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Số lượng người tham gia học tập ở bậc đại học và sau đại học tăng lên. Lực lượng giảng viên có trình độ cao ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, tiếp cận với trình độ quốc tế…

Thanh Huyền

Ấn phẩm Vì trẻ em số 1

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...