Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khơi thông động lực để tăng trưởng kinh tế trên 8%

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Kỳ 1: Đầu tư công - “Chìa khóa” để kinh tế tăng tốc

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá để khơi thông các động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng trên 8% như Nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua, một trong những động lực quan trọng nhất chính là đầu tư công. Thậm chí, đầu tư công được cho là “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2025.

Đầu tư công: Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

Khơi thông động lực để tăng trưởng kinh tế trên 8% - 1
Thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 vượt tiến độ là bài học để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư công luôn là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Một tính toán cho thấy, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP  tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế; trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Bởi thế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong bối cảnh Chính phủ muốn đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 lên trên 8%, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới là vô cùng quan trọng.

PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, đầu tư công là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế trong năm bản lề này. Nếu được triển khai hiệu quả, “trụ cột này” không chỉ kích thích trực tiếp vào GDP mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành xây dựng, vật liệu, bất động sản, dịch vụ… giúp tạo việc làm và ổn định vĩ mô.

Theo Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, kế hoạch đầu tư công năm nay sẽ được tăng lên 36 tỷ USD, tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao trước đó và cao hơn khoảng 194,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2024.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, đến ngày 31/1/2025, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 84,47% kế hoạch, bằng 93,06% so với mức Thủ tướng Chính phủ giao, nghĩa là chưa đạt được chỉ tiêu (95% trở lên).        

2025 - năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục. Đây là áp lực rất lớn. Do đó, yêu cầu đặt ra các bộ, ngành, địa phương tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm. 

Khắc phục tình trạng “chạy đua kế hoạch”

Giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò đầu tàu, quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch đề ra là nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh nhiều dự án vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, nút thắt.

Với lượng vốn đầu tư công khổng lồ trong năm 2025, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM kỳ vọng, đầu tư công sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay khi hoạt động thúc đẩy giải ngân luôn là hoạt động ưu tiên của Chính phủ trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 sẽ tháo gỡ những nút thắt về thể chế chính sách liên quan trong hoạt động đầu tư công. 

Tuy nhiên, theo bà Thảo, trong một dự án đầu tư công, hoạt động đầu tư không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khi có vướng mắc, nhà thầu hay doanh nghiệp hỏi ý kiến cơ quan nhà nước, trong điều kiện như vậy phải tăng cường thời gian giải quyết cho nhà đầu tư.

Từ đó, giúp cho quá trình giải ngân nhanh hơn. Đối với các dự án đang gặp khó khăn mà bộ, ngành và địa phương không giải quyết được, người đứng đầu cần thông tin đến Tổ công tác của Thủ tướng - nơi tháo gỡ khó khăn một cách nhanh nhất.

Nêu ví dụ điển hình, bà Thảo cho biết, dự án đường dây 500kV mạch 3 là dự án đầu tư công có thời gian triển khai ngắn dưới 6 tháng. Kết quả này là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các bên trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, bên cạnh tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế cần phải thúc đẩy hiệu quả trong việc xây dựng, chuẩn bị dự án và các thủ tục về đầu tư sẽ giúp khơi thông nguồn vốn đầu tư công, qua đó dẫn dắt được sự phát triển của khu vực tư nhân, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, PGS,TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, nhiều năm qua giải ngân vốn đầu tư công luôn trong tình trạng phải chạy đua với kế hoạch, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thường chậm trễ vào đầu năm và tăng mạnh vào cuối năm.

Để khắc phục tình trạng này, việc quản lý và triển khai các chương trình, dự án đầu tư công ngay từ đầu năm cần phân bổ chi tiết. Đặc biệt, phải chú trọng những công đoạn đầu tiên như chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán...

Rà soát vốn đầu tư các dự án từ sớm xem có phù hợp, có cơ sở khoa học thực tiễn không để thực hiện. Nếu một khâu bị chậm sẽ kéo theo toàn bộ tiến độ dự án bị chậm và giảm tăng trưởng. Vì vậy, các địa phương và chủ dự án cần có sự chuẩn bị và kết hợp tốt hơn.

ThS Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện các dự án đầu tư công.

Như sử dụng hệ thống dữ liệu tập trung để bảo đảm tính minh bạch, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả trong quản lý nguồn vốn đầu tư.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quản lý đầu tư nhằm bảo đảm công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công.

Năm 2025, đầu tư công của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Việc tận dụng hiệu quả nguồn vốn cùng với sự cải thiện trong quản lý và triển khai dự án sẽ quyết định mức độ đóng góp của đầu tư công vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kỳ 2: Kinh tế tư nhân - trụ cột cho tăng trưởng

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 24

Tin liên quan