Nhu cầu lao động tăng cao tại các tỉnh, thành phía Nam
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3.210 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 40.854 lao động. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 54.000 người, tạo việc làm tăng thêm cho gần 17.500 người, đạt 47,4% kế hoạch năm. Từ đầu năm, sản xuất công nghiệp ở Bình Dương phục hồi tích cực, doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng mở rộng sản xuất. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng lao động với số lượng nhiều hơn.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình thị trường lao động của tỉnh có những tín hiệu khởi sắc ngay những tháng đầu năm. Nhu cầu tuyển dụng tăng cường của các doanh nghiệp rất lớn, dự kiến nhu cầu của tỉnh là từ 60.000 - 80.000 lao động. Một số lĩnh vực như: May mặc, may balo, túi xách, may sofa, điện tử, gỗ, giày, nhựa, in, ngũ kim… đang cần nhiều lao động, tạo cơ hội việc làm cho lao động phổ thông.
Tại TPHCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), nhu cầu tìm việc của người lao động (NLĐ) có xu hướng tăng ở các ngành, lĩnh vực kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch, kế toán - kiểm toán, marketing, nhân sự, quản lý điều hành, công nghệ thông tin, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng… với trình độ cao và có kinh nghiệm làm việc.
Theo báo cáo của Falmi, một số ngành kinh tế có nhu cầu tuyển dụng cao 6 tháng đầu năm, cụ thể: Kinh doanh thương mại cần khoảng 45.963 chỗ làm việc, chiếm 28,98% tổng nhu cầu nhân lực; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần 20.729 chỗ làm việc, chiếm 13,07% tổng nhu cầu nhân lực; kinh doanh quản lý tài sản, bất động sản cần 11.070 chỗ làm việc, chiếm 6,98% tổng nhu cầu nhân lực; dịch vụ tư vấn, nghiên cứu khoa học và phát triển cần 8.136 chỗ làm việc, chiếm 5,13% tổng nhu cầu nhân lực; cơ khí, tự động hóa cần 6.629 chỗ làm việc, chiếm 4,18%; hành chính, văn phòng, biên phiên dịch cần 6.281 chỗ làm việc, chiếm 3,96% tổng nhu cầu nhân lực; tài chính, Tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm cần 6.265 chỗ làm việc, chiếm 3,95%… Bên cạnh đó, các nhóm ngành nghề khác cần 27.056 chỗ làm việc, chiếm 17,06% tổng nhu cầu nhân lực.
Falmi dự kiến trong 6 tháng cuối năm, TPHCM cần khoảng từ 153.500 - 161.500 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ cần từ 102.676 - 108.027 chỗ làm việc, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp, xây dựng cần khoảng từ 50.701 - 53.343 chỗ làm việc, chiếm 33,03%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần khoảng từ 123 - 129 chỗ làm việc, chiếm 0,08%; nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cần khoảng từ 23.961 - 25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61%. Trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,99%...
Thị trường lao động Hà Nội trên đà phục hồi
Tại Hà Nội, số lao động được tạo việc làm tiếp tục tăng, trong khi lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm dần. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 124.920/165.000 lao động, đạt 75,7% kế hoạch giao, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khoảng 37.300 lao động được giải quyết việc làm thông qua vay vốn từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 2.130 tỷ đồng. Cùng với đó, có trên 2.200 NLĐ được đưa đi làm việc tại nước ngoài, hơn 76.600 người được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp, số còn lại thông qua các hình thức khác.
Theo đánh giá của Trung tâm DVVL Hà Nội, số lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp giảm dần, do thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi và phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thành phố xuất hiện nhiều điểm sáng tăng trưởng.
Cụ thể, nhờ tình hình kinh tế - xã hội ổn định, đã tạo thời cơ tốt cho các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp vì thế cũng tích cực tuyển dụng lao động nhằm phục vụ cho việc sản xuất đơn hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đưa các dự án trọng điểm đi vào hoạt động, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của thị trường lao động.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, quý II cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung vào ổn định hoạt động. Bên cạnh đó, các sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí, kích cầu được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho người dân chi tiêu nhiều hơn. Tiêu dùng gia tăng là yếu tố quan trọng thúc đẩy, kích cầu nền kinh tế, nhất là ở các nhóm ngành như thương mại điện tử, du lịch, vận tải, lưu trú ăn uống…
Để hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tìm kiếm nhân sự, tìm kiếm việc làm; sẽ hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở, đặc biệt là sẽ tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kết nối cung - cầu lao động.
Trung tâm cũng dự kiến tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù, gồm phiên chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động, phiên dành cho lao động khuyết tật, phiên online với các tỉnh trên toàn quốc, cùng với các phiên lưu động, thông qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội kết nối việc làm cho đông đảo NLĐ trên địa bàn Thủ đô.
Hà Phương
Báo Lao động và Xã hội số 85