Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Cần quy định về hệ thống dữ liệu thông tin thị trường lao động

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cơ sở dữ liệu thị trường lao động (TTLĐ) giữ vai trò cốt yếu, góp phần trong phân tích, đánh giá, dự báo nguồn cung, cầu lao động để định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) cần quy định yêu cầu về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin TTLĐ” - Đó là vấn đề được đại biểu Quốc hội nhấn mạnh khi thảo luận về Luật Việc làm (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) cho biết, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực vượt khó để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin TTLĐ. Hệ thống cơ sở dữ liệu được cập nhật hàng năm, ở từng tỉnh, thành.

Cần quy định về hệ thống dữ liệu thông tin thị trường lao động - 1
Dữ liệu về thị trường lao động sẽ giúp kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng phục vụ cho nhiều mục đích của từng địa phương, là cơ sở để xây dựng kế hoạch, nghị quyết, định hướng chiến lược về nguồn nhân lực. Ở tầm quốc gia, hệ thống dữ liệu đã phục vụ công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm và một số lĩnh vực khác.

Theo đại biểu, hệ thống dữ liệu thông tin TTLĐ hiện còn 3 vấn đề nổi cộm.

Thứ nhất, công tác điều tra, cập nhật hàng năm còn lệ thuộc quá nhiều vào lực lượng điều tra viên. Điều này dễ gây quá tải, nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến điều tra viên, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ chính xác thông tin được thu thập.

Thứ hai, nhiều nguyên nhân dữ liệu thông tin TTLĐ và dữ liệu do cơ quan thống kê cung cấp trên cùng lĩnh vực có sự chênh lệch khá rõ.

Thứ ba, dữ liệu TTLĐ được hình thành và cập nhật hàng năm, huy động nhiều nhân lực thực hiện tốn khá nhiều kinh phí nhưng việc sử dụng dữ liệu này chỉ mới dừng lại ở phạm vi đánh giá, dự báo mà chưa thực sự sử dụng để kết nối cung - cầu lao động, định hướng nguồn nhân lực một cách hiệu quả ở từng địa phương và cả quốc gia.

Riêng lao động và người sử dụng lao động đều không sử dụng, thậm chí không biết dữ liệu này để làm gì.

“Cơ sở dữ liệu TTLĐ giữ vai trò cốt yếu, góp phần chuẩn xác trong phân tích, đánh giá, dự báo nguồn cung - cầu lao động để có cơ sở định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, dự án luật lần này cần quy định yêu cầu về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin TTLĐ, nhằm khắc phục những bất cập đã được nhận diện suốt thời gian qua khi thực hiện Luật Việc làm 2013.

Phải khẩn trương chuyển đổi từ phương pháp thực hiện đến việc ứng dụng triệt để, khai thác tài nguyên từ hệ thống dữ liệu này để phục vụ cho cung - cầu lao  động nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, bà Trần Thị Thanh Lam nêu quan điểm.

Trên tinh thần đó, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý, nội dung về hệ thống dữ liệu, từ điều tra, xử lý, cung cấp thông tin, ứng dụng kết nối cung - cầu lao động... phải được xử dụng triệt để trên nền tảng số để giảm tải nguồn nhân lực điều tra cập nhật hàng năm đến mức tối thiểu.

Đại biểu lưu ý, hệ thống dữ liệu thông tin TTLĐ là dữ liệu về chuyên ngành, lĩnh vực, do đó cần sớm gắn kết với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư cũng tương tự lĩnh vực bảo hiểm xã hội và một số chuyên ngành khác.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần khẩn trương thay đổi, điều chỉnh, nội dung, phương pháp trong tổ chức thực hiện, sớm khắc phục tình trạng chưa ăn khớp dữ liệu nhiều năm qua, để dữ liệu về thông tin TTLĐ chính thức là dữ liệu quốc gia, hiện thực hóa những mục tiêu mà Chính phủ đang hướng đến.

“Cuối cùng, dữ liệu thông tin TTLĐ phải chuyển mình từ cung cấp con số cho các cơ quan quản lý thành dữ liệu nhằm kết nối việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động;

Là nơi mà hệ thống các cơ sở đào tạo có thể khai thác thông tin cung và cầu để định hướng cho đào tạo nghề; là nơi có đầy đủ định hướng, kể cả chính sách phát triển ngành, nghề theo từng giai đoạn, từng năm, từng vùng, thậm chí là ở các tỉnh, thành phố”, đại biểu Trần  Thị Thanh Lam nhấn mạnh. 

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 144

Tin liên quan
Gen Z và xu hướng ... nghỉ hưu sớm

Gen Z và xu hướng ... nghỉ hưu sớm

(LĐXH) - Thế hệ Gen Z (nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) đang "xâm chiếm" thị trường lao động. Có một xu hướng đang được Gen Z đón nhận đó...
Gieo mầm xuân cho tương lai

Gieo mầm xuân cho tương lai

(VTE) - Tết Trồng Cây không chỉ giúp thiên nhiên xanh tươi hơn mà còn dạy các em yêu lao động, bảo vệ môi trường và ghi nhớ công ơn Bác Hồ kính yêu.
Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

(LĐXH) - Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, nhân lực giỏi công nghệ, biết vận dụng AI vào công việc...