Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Xanh Việt Nam lan tỏa lối sống xanh

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ra đời năm 2019 từ niềm đam mê chung của những bạn trẻ yêu môi trường, cộng đồng Xanh Việt Nam nhanh chóng phát triển thành tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên 63 tỉnh, thành phố.

Với gần 20.000 tình nguyện viên nhiệt huyết, Xanh Việt Nam đã tổ chức hàng trăm đợt ra quân, biến đổi hàng trăm bãi rác tự phát thành những không gian xanh - sạch - đẹp. Gần 30.000 bao rác thải được thu gom, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hành động nhỏ ươm mầm những điều lớn lao

Xanh Việt Nam lan tỏa lối sống xanh - 1
Các tình nguyện viên tham gia nhặt rác.

Thủ lĩnh của cộng đồng Xanh Việt Nam là Nguyễn Ngọc Ánh. Ánh sinh năm 1996 tại Đắk Lắk và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan. Ra trường, Ánh tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập khá. Tuy nhiên, trong một lần đi chơi ở biển Vũng Tàu, khi đang phụ giúp cô chú làng chài lúc sáng sớm, Ánh thấy mấy em nhỏ xây lâu đài trên cát nhưng khi tiến lại gần mới biết đó là lâu đài bằng rác thải.

“Giây phút chứng kiến lâu đài đặc biệt này của các bạn nhỏ, tôi đã bắt tay ngay vào nhặt rác trên bãi biển Vũng Tàu. Chỉ là một hành động nhỏ nhưng phần nào giúp tôi khẳng định và cự tuyệt được với suy nghĩ trước đây: Đó là mình rất nhỏ bé, nếu chỉ có mình ý thức nhặt rác thì cũng chẳng thay đổi được gì", Ánh chia sẻ.

Từ đó, Ánh nhận ra rằng, rác ở biển quá nhiều nhưng nếu ai cũng nhặt một ít hoặc không xả ra môi trường thì Việt Nam sẽ không còn nằm trong tốp 4 quốc gia thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.

Ngay trong thâm tâm, Ngọc Ánh cũng thôi thúc câu hỏi: “Tại sao những đứa trẻ lại phải gánh chịu hậu quả từ rác thải của người lớn,và phải làm điều gì đó để Việt Nam xanh, sạch, đẹp?”.

Thời điểm này, Ánh đang là chuyên viên của một công ty phần mềm. Công việc này không chỉ giúp cô có thể tự trang trải cuộc sống ở TPHCM mà còn hỗ trợ gia đình ở quê. Sau một thời gian dài đấu tranh tư tưởng, cô đã lựa chọn từ bỏ công việc ổn định để có nhiều thời gian làm điều mình mong muốn.

"Lúc đó, tôi cũng đắn đo và suy nghĩ rất nhiều. Tuổi trẻ chỉ có một lần, kiếm tiền có thể phấn đấu cả đời. Tôi đã nghỉ và tìm công việc khác linh hoạt hơn về thời gian, thu nhập ít hơn nhưng đổi lại có thể dành nhiều thời gian đồng hành cùng Cộng đồng Xanh Việt Nam", Ngọc Ánh nói.

Tháng 8/2019, Cộng đồng Xanh Việt Nam ra đời với 3 thành viên nòng cốt, hướng đến 2 mục tiêu hoạt động chủ yếu là bảo vệ môi trường và thiện nguyện. Khi mới bắt đầu, nhóm của Ánh không có tên, cũng chẳng được tổ chức bài bản, chỉ là một nhóm thiện nguyện tự phát.

Với phương châm “Rác này không phải của tôi nhưng hành tinh này là của chúng ta”, Xanh Việt Nam đã tích cực vận động cho Chiến dịch Clean Up đầu tiên được tổ chức ngày 31/5/2020, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 với sự tham gia của 1.380 tình nguyện viên có mặt trên 40 tỉnh, thành.

Sau chiến dịch này, sức lan tỏa của Cộng đồng Xanh Việt Nam nhanh chóng phủ khắp 63 tỉnh, thành và hình thành các điểm cầu quốc tế ở: Malaysia, Nhật Bản, Thái Lan...  

Để tổ chức được một chiến dịch nhặt rác trên toàn quốc thì phải chuẩn bị ít nhất 3 tháng. Trong tháng cuối cùng, đội ngũ cốt cán phải ở chung cùng nhau làm việc. Khi được hỏi nguồn kinh phí nào để duy trì hoạt động, Ánh cho biết, ban đầu tự bỏ tiền túi, về sau được sự ủng hộ của các mạnh thường quân nên tình nguyện viên chỉ cần bỏ công sức cộng thêm sự nhiệt huyết.

“Cộng đồng Xanh Việt Nam có rất đông bạn nữ. Các bạn không nề hà nắng nôi, hôi bẩn của rác mà rất hăng hái tham gia. Có những khu vực nguy hiểm vì rác gồm cả những mảnh thủy tinh vỡ, kim tiêm, xác động vật nhưng không ai e sợ mà đều lao vào cuộc chiến… với rác”, Ngọc Ánh chia sẻ.

Xanh Việt Nam lan tỏa lối sống xanh - 2

Gần đây nhất là chiến dịch mùa 6 với hơn 120.000 người tham gia nhặt rác trên 63 tỉnh, thành, các đảo, quần đảo trong cùng một ngày. Rác sau khi thu gom được phân loại có thể tái chế và không thể tái chế. Với loại không thể tái chế, Cộng đồng Xanh Việt Nam sẽ phối hợp chính quyền địa phương mang tới nhà máy để xử lý, còn loại có thể tái chế sẽ tặng người thu mua ve chai. Không chỉ có quy mô, số lượng tình nguyện viên kỷ lục, chiến dịch còn mang lại những hình ảnh truyền cảm hứng.

Ý thức và tình yêu bảo vệ môi trường không chỉ được lan tỏa ở những tỉnh, thành lớn mà còn len lỏi tới cả những khu vực vùng sâu, vùng xa. Nữ thủ lĩnh Cộng đồng Xanh chia sẻ: "Ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của Lào Cai, các em bé tham gia nhặt rác rất đông. Hay ở Kon Tum, khoảng 5.000 đến 7.000 người đã ra quân.

Hình ảnh những em bé không có quần áo lành để mặc, gia đình khó khăn vẫn đi nhặt rác, trồng cây bằng những dụng cụ rất thô sơ; hoặc vẽ băng rôn, khẩu hiểu bằng thùng mì tôm, bao tải rách với tinh thần có cái gì dùng cái đó… thật sự lay động và tự hào. Tôi không nghĩ chiến dịch lại có thể lan tỏa, len lỏi đến những khu vực sâu, xa như thế".

Đưa Việt Nam vào tốp quốc gia sạch đẹp

Nói về chiến dịch để lại nhiều ấn tượng với Cộng đồng Xanh Việt Nam, Ánh nhớ lại cuối năm 2020 trong chiến dịch nhặt rác mùa thứ 2, Việt Nam đang có một đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc và miền Trung, nhiều tỉnh, thành nhiệt độ xuống tới 5 - 6 độ C.

"Mình nghĩ miền Bắc và miền Trung sẽ không ra quân được. Nhưng sau ngày ra quân ở miền Nam về, nhận được hình ảnh từ đầu cầu Bắc, Trung, mình và mọi người đã rất xúc động, chỉ biết nghẹn ngào và ôm nhau trong hạnh phúc. Mọi người đã bỏ qua mọi trở ngại, đội mưa chịu rét để đi nhặt rác. Nhìn những hình ảnh lúc ấy truyền cảm hứng vô cùng. Một số tỉnh, thành có ít người thôi nhưng vẫn quyết tâm làm. Bởi họ nghĩ, các tỉnh, thành khác ra quân được thì họ cũng phải ra quân để hòa chung không khí với cả nước". 

Ngoài các chiến dịch nhặt rác, Ngọc Ánh còn truyền tải thông điệp sống xanh đến những người xung quanh. Cô gái luôn dùng túi vải, hộp thủy tinh khi đi mua sắm và nói không với túi ni lông, nhựa dùng một lần và thường trồng cây xanh mọi nơi có thể để góp chút ôxy vào bầu khí quyển.

Để truyền thêm cảm hứng, đồng phục của Cộng đồng Xanh Việt Nam là áo in cờ đỏ sao vàng, mang khăn rằn và vòng đeo tay sứ mệnh để người nước ngoài nhìn vào sẽ hiểu rằng, hoạt động này không phải do một tổ chức thực hiện mà là người dân Việt Nam.

Ngọc Ánh hy vọng Cộng đồng Xanh Việt Nam sẽ góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tốp 4 quốc gia xả rác ra đại dương nhiều nhất và lọt tốp quốc gia sạch đẹp nhất Đông Nam Á vào năm 2025.

Cộng đồng Xanh Việt Nam có khoảng 20.000 tình nguyện viên tham gia xuyên suốt và có thể huy động hàng chục ngàn tình nguyện viên tham gia chiến dịch Clean Up Việt Nam. Hàng năm, Cộng đồng Xanh Việt Nam tổ chức 2 chiến dịch Clean Up Việt Nam vào Ngày Môi trường thế giới và cuối năm để chuẩn bị đón năm mới. Ngoài 2 chiến dịch lớn, các đầu cầu sẽ chủ động ra quân theo tuần, tháng, quý… 

Xanh Việt Nam lan tỏa lối sống xanh - 3

Hàng tuần, ngoài việc ra quân nhặt rác, Cộng đồng Xanh Việt Nam còn tổ chức các hoạt động đổi rác lấy cây, lấy quà, làm mô hình cá bống ăn rác đặt ở các bãi biển, công viên; làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa và vận động xây trường vùng cao; quyên góp quần áo, sách vở, quà bánh; hỗ trợ người dân và trẻ em vùng khó khăn...

Cùng với đó là tổ chức các chương trình thiện nguyện như: Cứu trợ các vùng miền gặp thiên tai, Tết Yêu thương, Trung thu cho bé, Noel cho bé, tặng quà cho trẻ em nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. 

4 năm qua, Ngọc Ánh cùng các cộng sự còn tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện về bảo vệ môi trường cho khoảng 30.000 học sinh, sinh viên. Những buổi nói chuyện về phân loại rác, tái chế rác thành đồ dùng học tập, tổ chức cuộc thi hùng biện về sống xanh mang đến nhiều kiến thức, sáng tạo thiết thực cho học sinh, sinh viên.

Năm 2022, Cộng đồng Xanh Việt Nam nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2022 do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng. Với tình yêu môi trường mãnh liệt, với những hoạt động bảo vệ môi trường và thiện nguyện ý nghĩa, tin tưởng rằng không xa nữa, Cộng đồng Xanh Việt Nam sẽ góp phần không nhỏ vào việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xanh, sạch, đẹp của khu vực và thế giới. 

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8