Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

“Cuộc đua” Net zero của ngành công nghiệp không khói

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Du lịch Net zero hay Net zero tourism là loại hình du lịch hoàn toàn không gây tổn hại môi trường trong quá trình vận hành.

Để thực hiện cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050, du lịch xanh ngày càng được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của ngành công nghiệp không khói.

Tăng thêm  nhiều “tour xanh”

Cuối tháng 3, tỉnh Bến Tre đã thí điểm tour du lịch mới mang tên “Net Zero tours Bến Tre”. Khi tham gia tour này, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động bao gồm di chuyển, lưu trú, ăn uống… hoàn toàn thân thiện với môi trường.

“Cuộc đua” Net zero của ngành công nghiệp không khói - 1
Tour du lịch chèo thuyền kayak vớt rác trên sông tại Hội An thu hút du khách.

Đặc biệt, khi bắt đầu tour, du khách được trao cuốn passport (hộ chiếu) Net Zero như một giấy thông hành để du khách trở thành công dân xanh toàn cầu của tương lai. Cuốn sổ này cho phép du khách tự ghi chép lại những hoạt động mà họ được trải nghiệm trong suốt chuyến đi.

Cùng với đó, du khách được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng nhau thực hiện bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần, cây đước, sử dụng nông sản, mua đồ thủ công mỹ nghệ của người dân hoặc mua một cây dừa lâu năm… là những hành động bù đắp phát thải carbon khi tham gia tour du lịch Net Zero ở Bến Tre.

Tại Quảng Bình, Sở Du lịch tỉnh đã chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trong việc phát triển sản phẩm du lịch Net Zero; liên kết với các công ty lữ hành quốc tế để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu carbon tiêu thụ; phổ biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của nhãn Bông Sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…

Đặc biệt tại Quảng Bình, một khu cắm trại nằm trong Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đã trở thành mô hình du lịch xanh đầu tiên hướng tới mục tiêu Net Zero. Khu này sử dụng nguồn năng lượng tái tạo - pin mặt trời, tái sử dụng - tái chế để giảm thiểu sản xuất và xử lý rác, giảm tối đa chặt cây và bê tông hóa bằng cách xây dựng hạ tầng cơ sở lắp ghép, những lối đi trong rừng được thiết kế dạng cầu treo để tránh ảnh hưởng hệ sinh thái…

Không chỉ nỗ lực giảm thiểu phát thải tối đa, cơ sở này còn tính toán và bù đắp lượng khí thải nhà kính sinh ra do hoạt động kinh doanh của mình bằng cách trồng cây giúp hấp thụ carbon dioxide khỏi không khí, tạo thêm bóng mát và môi trường sinh sống tự nhiên cho động vật hoang dã, hỗ trợ các dự án phục hồi rừng và quyên góp cho các tổ chức môi trường làm việc về các sáng kiến giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Tại Hội An (Quảng Nam) từ lâu đã kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An đã ra mắt mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” từ tháng 9/2023. Thành phố đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 - 15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần. Nhiều cơ sở lưu trú và doanh nghiệp tại Hội An đang đầu tư vào năng lượng mặt trời để giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, Hội An còn khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh như xe đạp và xe điện. Khu phố cổ được thiết kế để thuận tiện cho việc đi bộ, giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông và cải thiện trải nghiệm du lịch.

Doanh nghiệp chủ động “vận hành xanh”

Từ năm 2017, tại Hội An đã xuất hiện tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông, với chi phí 10 USD/người. Du khách ban đầu tham gia vì tò mò, sau đó là hào hứng. Việc này đã có tác động tích cực đến môi trường nơi đây, đặc biệt là khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Một số khách sạn, công ty du lịch như Victoria Hội An cũng triển khai tour sidecar tham quan cánh đồng và làng rau cổ Trà Quế, trải nghiệm trồng rau sạch và bảo vệ môi trường… được du khách hào hứng đón nhận, nhất là du khách quốc tế.

Cùng với đó, một số nhà hàng ở Quảng Nam đã tái chế dầu ăn qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, thay vì thải ra môi trường, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, cùng nhiều sản phẩm tái chế khác thành quà cho khách du lịch.

Ông Phan Xuân Anh, người sáng lập Mekong Riverside Boutique Resort & Spa cho biết, tận dụng thủy triều lên để bơm nước thay vì sử dụng điện; không dùng điện lưới vào cao điểm 17h - 21h mà thay vào đó sử dụng điện năng lượng mặt trời. Hệ thống giặt hoạt động lúc 12h đêm để tránh quá tải. “Đây là những hành động cụ thể tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong hoạt động du lịch”, ông Xuân Anh cho biết. Khu du lịch dã ngoại thiên nhiên Làng Nhỏ - hồ Láng Nhớt (Khánh Hòa) cũng là ví dụ trong thực hiện du lịch Net Zero. Xe điện, xe đạp, bè tre là phương tiện di chuyển chính trong làng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng của tự nhiên. Gió và mặt trời là hai nguồn năng lượng thay thế được đơn vị tận dụng để tạo ra điện.

Trên cả nước, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã hưởng ứng xu hướng du lịch xanh - bền vững bằng một số “tour xanh” như: Tour thám hiểm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), tour khám phá chùm đảo hoang sơ “tứ Bình” tại Khánh Hòa, tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch “tắm rừng” tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai…

Năm 2024, Việt Nam phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa. Cho rằng phát triển du lịch xanh sẽ giúp đạt mục tiêu này, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy nhấn mạnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để tạo tiền đề cơ bản phát triển du lịch xanh, bền vững. Đối với doanh nghiệp phát triển mô hình, sản phẩm du lịch xanh, Nhà nước cần có những ưu đãi phù hợp để họ kiên trì theo đuổi hướng đi này như các gói hỗ trợ lãi suất hay cơ chế ưu đãi cho các dự án phát triển du lịch xanh. Cùng với đó, sớm ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho cả nước để làm điểm tựa pháp lý. Các doanh nghiệp cũng mong muốn có các chương trình đào tạo về phát triển du lịch xanh, đào tạo nguồn nhân lực.

Báo cáo Du lịch bền vững 2023 được Booking công bố cho thấy 97% khách Việt sau dịch muốn có những trải nghiệm du lịch bền vững (sustainable tourism) hơn. 52% sẵn lòng chi tiền cho du lịch xanh, bảo vệ môi trường như một cách để đảm bảo chắc chắn họ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực sau mỗi chuyến đi.

Phương Anh

Báo Lao động và Xã hội số 114

Tin liên quan
Du lịch thắng lớn dịp tết

Du lịch thắng lớn dịp tết

(LĐXH) - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngành du lịch chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 12,5...
Những hành trình đậm hương xuân

Những hành trình đậm hương xuân

(LĐXH) - Dịp Tết Nguyên đán, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành thiết kế nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, xây dựng các tour đặc sắc phục vụ...