Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thành phố Nha Trang: "ATM gạo" phục vụ 500 suất/ngày giúp người khó khăn

Nhóm Cựu học sinh tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố Nha Trang đã tiến hành lắp máy "ATM gạo" phục vụ 500 suất/ngày (2kg/suất), đối tượng là người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Nha Trang chủ trì lắp đặt một cây "ATM gạo" ngay tại trụ sở của cơ quan này, số 118 đường Nguyễn Trãi, Nha Trang (phía mặt đường Lạc Long Quân), dự kiến sẽ hoạt động từ 8h ngày 16/4. "ATM gạo" được cài đặt mức 2kg/lần nhả gạo.

Nguồn gạo ban đầu và cây ATM do một nhóm cựu học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang, khóa 1993 - 1996 chủ công đóng góp.

ATM gạo phục vụ người khó khăn mùa dịch tại Thành phố Nha Trang - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo một thành viên của nhóm cựu học sinh, sau khi thông tin hình thành cây "ATM gạo" đầu tiên tại Nha Trang xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân và người hảo tâm đã liên hệ cùng chung tay đóng góp gạo.

Cũng theo thành viên này, việc tổ chức phát gạo sẽ thực hiện đúng theo tinh thần chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm an toàn, hiệu quả, trật tự với phương án dự phòng mất điện.

Trong khi đó, thầy Hoàng Phương Đồng và một số giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Phước 2, Nha Trang bảy tỏ mong muốn lập một cây "ATM gạo" khác tại khu vực phía Bắc thành phố Nha Trang hoặc một huyện của tỉnh Khánh Hòa để hỗ trợ người nghèo.

ATM gạo phục vụ người khó khăn mùa dịch tại Thành phố Nha Trang - Ảnh 2.

Người dân tự tay rút gạo từ "ATM gạo" - Ảnh: MINH CHIẾN

Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Nha Trang cho biết: "Với tinh thần lá lành đùm lá rách, chỉ cần bấm nút, "ATM gạo" tình thương được chia sẻ trong cộng đồng. Những suất gạo lúc này tuy ít ỏi nhưng sẽ giúp bà con ổn định vượt qua mùa dịch. Tôi hi vọng cây "ATM gạo" của hội sẽ được nhiều người nghèo biết và tìm đến".

Trong đoàn người chờ nhận gạo có nhiều em nhỏ và người khuyết tật, tất cả đều được xếp ở khu vực riêng, sau đó gạo sẽ đưa đến tận tay mà không cần phải chờ đợi.

Lóc cóc đạp xe đến từ sớm để nhận gạo, bà Trịnh Ngọc (68 tuổi) nghẹn ngào: "Tôi bán vé số nuôi con trai bị bại liệt, nay bị cấm buôn bán chả biết kiếm đâu ra tiền. Hai mẹ con phải cầm hơi bằng mì tôm, cháo gói. Hôm nay được các nhà hảo tâm phát gạo mừng quá vì tiền mua thuốc uống còn không có, lấy tiền đâu mà mua gạo".