Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

EU tăng tần suất kiểm tra với nông sản Việt Nam

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Hiện tỷ lệ giám sát mã vẫn chưa đạt yêu cầu. Ví dụ, việc giám sát sầu riêng chỉ đạt 52% ở vùng trồng và 47% ở cơ sở đóng gói. EU sẽ tiếp tục rà soát định kỳ các biện pháp này.

Một số nông sản vào diện tăng tần suất kiểm tra

Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng số lượng cảnh báo về các biện pháp kiểm dịch động, thực vật khiến một số nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải chịu tần suất kiểm tra biên giới nghiêm ngặt hơn như thanh long, ớt, đậu bắp và sầu riêng.

Thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm từ thị trường EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

EU tăng tần suất kiểm tra với nông sản Việt Nam - 1
Thanh long xuất khẩu sang EU vẫn trong diện kiểm soát tần xuất 30%.

Hiện tỷ lệ giám sát mã vẫn chưa đạt yêu cầu. Ví dụ, việc giám sát sầu riêng chỉ đạt 52% ở vùng trồng và 47% ở cơ sở đóng gói. EU sẽ tiếp tục rà soát định kỳ các biện pháp này. 

EU không quy định về khối lượng hàng nên có thể chỉ vài chục ký ớt xuất sang cũng bị kiểm tra và cảnh báo vi phạm. Với nhóm hàng bị cảnh báo ở mức độ cao nếu không có những giải pháp kịp thời chấn chỉnh, cải thiện thì có thể bị EU không cho nhập. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, dù xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục trong nửa đầu năm nhưng đây là hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm của nông sản Việt.

Theo ông Nguyên, mỗi năm EU chi khoảng 35 tỷ Euro nhập khẩu rau quả và là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới. Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU tăng đáng kể, song hiện chỉ đứng thứ 27 trong số các nước xuất khẩu rau quả vào EU với thị phần khiêm tốn 1%. Điều đáng nói, nhiều sản phẩm nông sản xuất sang EU thiếu tính đồng nhất.

Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng… vẫn còn là nút thắt lớn. Một số mặt hàng rau quả xuất khẩu vào EU như: Ớt, rau húng, quế, thanh long… đã bị cảnh báo nhiều lần về mặt chất lượng.

Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn có thể làm giảm uy tín chung của nông sản Việt Nam tại thị trường EU, cũng như trên thế giới.

Không kiểm soát chặt, nguy cơ mất thị trường lớn

Đại diện Vinafruit cho rằng, các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học của EU ngày càng nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của EU có nguy cơ bị buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ.

Trong một số trường hợp nếu tần suất vi phạm cao, EU có thể áp dụng biện pháp kiểm soát chặt như tăng tần suất, tỷ lệ kiểm tra, thậm chí bị cấm một thời gian. Có thời điểm EU đưa ra cảnh báo sẽ cấm các mặt hàng rau quả của Việt Nam nếu phát hiện đủ 5 lô hàng không đảm bảo. 

Các chuyên gia cho rằng, EU gia tăng cảnh báo với hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản của Việt Nam do EU có xu hướng gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu.

Để hạn chế những cảnh báo tương tự, các vùng trồng, vùng nuôi của Việt Nam cần tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh; tuân thủ và cập nhật các biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, phải tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến, chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp với thị trường EU. Các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến cần tuân thủ và thường xuyên cập nhật các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất. Đặc biệt là thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân làm tăng mức độ cảnh báo nông sản Việt Nam nhập khẩu vào EU là do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, theo thói quen, người sản xuất ở một số nơi chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Do đó, để hạn chế các vi phạm ngay cả sản xuất và doanh nghiệp cần quan tâm các quy định, chuẩn hóa từ vùng trồng đến quy trình sản xuất và xuất khẩu.

Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Theo các chuyên gia, số lượng cảnh báo tồn dư chất cấm, kháng sinh trong sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất sang châu Âu tăng hơn 80% trong nửa đầu năm 2024.

Diễn biến bất thường này cảnh báo doanh nghiệp Việt phải tự kiểm soát nghiêm ngặt yêu cầu an toàn thực phẩm trước khi xuất sang thị trường "khó tính” như EU.

Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 119