Thông tin được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra khi giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hôm 27/5 vừa qua.

Không khó giải quyết
Trước băn khoăn về việc bỏ khái niệm “mức lương thấp nhất” Bộ trưởng giải thích, mức này chỉ đúng ở thời điểm nhất định. Tới đây, khi mục tiêu mở rộng bao phủ, việc bỏ mức lương hưu thấp nhất không có nghĩa là không còn người tham gia BHXH ở mức thấp hơn mức lương.
Giải trình thêm, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phân tích, mức lương hưu thấp nhất hiện nay đang lấy mức lương cơ sở, nhưng nếu như để bắt buộc phải căn cứ vào mức lương cơ sở này thì một loạt những người có nhu cầu sẽ không thể tham gia BHXH được, vì họ không đủ điều kiện tham gia bằng mức lương tối thiểu.
Vì thế, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tại sao không cho người thấp hơn vẫn tham gia được.
“Đóng thấp hưởng thấp, nhưng thấp còn hơn không, điều quan trọng là có bảo hiểm y tế, nhất là khi về già”, ông nói chính vì thế, đề xuất phương án này phù hợp thực tiễn, và qua khảo sát khu vực nông thôn thì phương án này người dân cũng cho là phù hợp.
Làm rõ băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về “chênh lệch lương hưu trước vào sau cải cách tiền lương”, Bộ trưởng cho hay, chênh lệch lương hưu trước và sau ngày 1/7/2024, về bản chất không có gì khó khăn.
"Đây là về vấn đề chuyên môn và Chính phủ đã từng xử lý bằng Nghị định 42 liên quan đến các đối tượng trước và sau năm 2023', ông Dung thông tin.
Người hưởng lương hưu cao sau ngày 1/7 được tính điều chỉnh theo CPI
Do đó, việc chênh lệch lương hưu trước và sau thời điểm cải cách “không khó khăn gì và tính toán được”, Bộ trưởng nêu rõ thêm, theo nguyên tắc người nào hưởng lương hưu sau ngày 1/7/2024 mà chế độ cao thì sau này chỉ tính điều chỉnh theo CPI.
Còn lại những người về hưu trước ngày thời điểm cải cách tiền lương 1/7 tới, thì lương hưu sẽ được tính cả tăng trưởng kinh tế, CPI và một số tăng trưởng thực tế của quỹ BHXH.
Đáng chú ý, đối với khu vực lực lượng vũ trang, về cách tính lương hưu, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, có một số ý kiến Bộ ghi nhận và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đối với các khu vực khác liên quan đến hưu trí, ông Dung thông tin, chiều 26/5 vừa qua, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, đã đề xuất người được hưởng lương hưu khi cải cách tiền lương từ 1/7 tới như công nhân, viên chức cũng áp dụng ở “mức cao nhất có thể”.
Ông Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, quy định "mức tham chiếu" thay mức lương cơ sở, bản chất không có vấn đề gì. Nếu cần thiết, mức lương cơ sở 1,8 triệu hiện nay vẫn áp dụng được.
“Nhưng nếu đến năm 2026 bỏ mức lương cơ sở, thì lấy gì thay thế?”, do vậy theo ông, đây không phải là vấn đề lớn.
"Có thể 6 tháng cuối năm nay và đầu năm 2025 chúng ta cân bằng quỹ, chứ không có kết dư. Chấp nhận điều đó để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí", Bộ trưởng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/3, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngành hiện được giao nghiên cứu, xử lý 4 vấn đề đi kèm với việc cải cách chính sách tiền lương.
Ông Dung báo cáo, sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng.
Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7.
"Quan điểm của chúng tôi, việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương", Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Thứ hai, với nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
Ngoài áp dụng chính sách BHXH, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.
Thứ ba, với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, ông Đào Ngọc Dung cho hay, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.
"Với nhóm này, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tính toán để lương hưu trước và sau cải cách tiền lương không chênh lệch lớn Cơ quan của Quốc hội khẳng định đang tính toán, điều chỉnh Dự thảo Luật BHXH sửa đổi để lương hưu giữa người hưởng tiền lương mới nghỉ hưu với người nghỉ hưu trước thời điểm cải cách tiền lương 1/7 không chênh lệch quá xa. Nội dung này được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan thông tin tại cuộc họp báo vào ngày 19/5, về chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Trả lời báo chí, ông Lâm Văn Đoan cho hay, Dự án Luật BHXH là dự luật khó, phức tạp, tác động đến đông đảo người lao động và người nghỉ hưu. Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Xã hội đang tính toán, điều chỉnh trong Luật BHXH sửa đổi làm sao bảo đảm quyền lợi tối ưu cho người lao động trước và sau khi cải cách tiền lương. “Đây là vấn đề rất khó, đòi hỏi nghiên cứu thận trọng”, theo ông Đoan, việc này để không có sự chênh lệch quá xa giữa người hưởng mức tiền lương mới nghỉ hưu với những người nghỉ hưu trước thời điểm 1/7. |