Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.

Cần một mức tiền lương cố định làm cơ sở tính toán
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Đây là một dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, mang tính xã hội cao và đối tượng chịu tác động trực tiếp rất rộng, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến.
Vấn đề được đại biểu quan tâm là khi thực hiện cải cách tiền lương, từ sau 1/7, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ BHXH.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 76) và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc (Điều 77).
Với các quy định này, theo đại biểu Thu, chưa đánh giá tác động đầy đủ. Bởi, bên cạnh việc đóng BHXH của các đối tượng đang thụ hưởng ngân sách Nhà nước, còn có các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ.

“Việc điều chỉnh mức lương cơ sở này chưa có căn cứ để các đơn vị sự nghiệp tự chủ có thể áp dụng. Trong khi, giá dịch vụ của giá dịch vụ y tế, học phí chưa được điều chỉnh cho phù hợp với các luật hiện hành đã ban hành, cũng như dự kiến của Luật BHXH”, bà Thu phân tích.
Luật chỉ nên ban hành khi đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng, tăng trưởng quỹ BHXH trong dài hạn, đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh.
Chung mối quan tâm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhấn mạnh để tính mức đóng - hưởng chế độ BHXH, cần một mức tiền lương cố định làm cơ sở tính toán. “Mức tham chiếu là chỉ sự thay đổi, sẽ khó áp dụng hay xác định dự toán kế hoạch về BHXH trung hạn”, bà Thơ nói.
Cạnh đó, đại biểu băn khoăn khi chưa rõ nguyên tắc xác định mức tham chiếu và việc xây dựng mức tham chiếu được thực hiện như thế nào?
“Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm để tính mức hưởng BHXH là vấn đề quan trọng được các đối tượng tham gia quan tâm trước tiên. Một khi cơ sở tính toán chưa có thì việc triển khai BHXH liệu có khả thi?”, đại biểu Thơ đặt vấn.
Về thời gian thông qua Luật BHXH sửa đổi, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ sự thống nhất, nên thông qua luật này sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp
Cũng quan tâm đến vấn đề lương hưu, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) nêu, về giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, "chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH".
Theo đại biểu, điều này là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH.
Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%.
"Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống", đại biểu Vương Thị Hương nói.
Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nêu rõ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”.
Theo Nghị quyết 27 của Trung ương, “mức lương cơ sở” sẽ được bãi bỏ khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7.
Nghĩa là, từ sau 1/7, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.
Vì nội dung này chưa được dữ liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 6 nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” trong dự thảo luật.
Cụ thể, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong Luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ BHXH.
“Điều 76. Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
h) Trường hợp trong quá trình đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này, người lao động có khoảng thời gian đóng BHXH liền kề với bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của thời gian này cao hơn bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của những năm cuối thì người lao động được chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH liền kề tương ứng với số năm quy định tại khoản này để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
i) Chính phủ quy định việc tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 Điều này trên tổng thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
“Điều 77. Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
1. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 76 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh như sau:
a) Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016, được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí. Chính phủ quy định việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc khi Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
b) Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi, được điều chỉnh như quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 76 của Luật này của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.” |