Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Mong ngóng chờ thưởng tết

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo quy định của Bộ luật Lao động, doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, gần cuối năm, NLĐ lại mong ngóng thông tin thưởng tết từ doanh nghiệp.

Đảm bảo mọi người lao động đều có tết

Liên quan đến vấn đề thưởng tết, theo dự báo của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 sẽ phổ biến tương đương một tháng lương, cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%, do mức lương tối thiểu vùng tăng.

VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp đều khẳng định có thưởng tết và một số doanh nghiệp ở phía Nam đã sớm công bố mức thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025 ngay từ đầu tháng 12  để NLĐ yên tâm làm việc.

Mong ngóng chờ thưởng tết - 1
Nhiều doanh nghiệp công bố thưởng tết sớm. (Ảnh minh họa)

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Bộ luật Lao động 2019 không có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng tết cho NLĐ. Song, thưởng tết vẫn luôn tồn tại như một loại hình văn hóa doanh nghiệp, đó cũng là sự ghi nhận sự đồng hành của NLĐ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong năm.

Dù tình hình sản xuất, kinh doanh  có thể khó khăn hay doanh nghiệp đã chăm lo cho NLĐ trong nhiều dịp lễ khác thì thưởng tết vẫn là niềm mong mỏi lớn lao của NLĐ.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hầu hết doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, tiếp đó là hậu quả của bão Yagi đã tàn phá tài sản, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên NLĐ vẫn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Vì vậy, việc thưởng tết năm 2025 cũng là sự ghi nhận của chủ doanh nghiệp đối với những người đã gắn bó, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

“Các doanh nghiệp đều khẳng định có thưởng tết và khởi sắc hơn năm trước. Năm nay, một số ngành sản xuất đã khởi sắc, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng, công nhân đã phải tăng ca, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực dệt may, da giày, lắp ráp điện tử sẽ thưởng tết cao hơn.

Những lĩnh vực khác, doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì thưởng tết, đảm bảo mọi người đều có thưởng tết. Mức thưởng cụ thể bao nhiêu sẽ tùy chỉ số kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Hy vọng những tháng đầu năm 2025  doanh nghiệp tiếp tục giữ được đà sản xuất kinh doanh khởi sắc để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho NLĐ”, ông Phòng nói. 

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, NLĐ rất mong chờ việc công bố tiền thưởng tết của doanh nghiệp vì đây chính là thành quả và công sức lao động của họ trong cả năm.

Việc công bố tiền thưởng tết cho NLĐ sớm sẽ tạo ra không khí sản xuất tốt hơn từ nay cho đến tết nguyên đán. NLĐ cũng xác định mình có được một khoản tích lũy để chăm lo tết cho bản thân và gia đình, họ sẽ yên tâm và hăng hái làm việc hơn. 

“Năm nay, tình  hình chung là kinh tế đã khởi sắc, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng và đã khôi phục được sản xuất, kinh doanh. Vì thế, thu nhập và tiền thưởng của NLĐ cũng tăng hơn so với năm 2023. Hiện một số doanh nghiệp công bố mức thưởng rất tốt, tiền thưởng tăng nhiều so với năm ngoái.

Mặc dù chúng tôi chưa thống kê được mức thưởng cao nhất là bao nhiêu nhưng mức thưởng bình quân năm nay khoảng 8%, tăng 2% so với năm 2023.  Đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Trần Thị Thanh Hà thông tin. 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp công bố thưởng tết nhưng lại ra điều kiện để giữ chân người lao động bằng cách thưởng sau tết, điều này vấp phải sự phản ứng của tập thể người lao động. Bà Hà cảnh báo, nếu doanh nghiệp không thưởng đúng vào dịp tết mà giữ sau tết chắc chắn sẽ gặp vấn đề bất ổn trong quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, qua báo cáo thưởng tết cũng cho thấy có những doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do hậu Covid-19 hoặc ảnh hưởng của bão Yagi. Đối với những doanh nghiệp này, các cấp công đoàn vẫn luôn đồng hành và động viên người sử dụng lao động cũng như khuyến nghị NLD cùng gánh vác và cùng chia sẻ khó khăn với doanh ngiệp như chấp nhận tạm thời giảm thu nhập, tăng giờ làm…

Thưởng tết cao nhất thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, năm nay doanh nghiệp thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 519 triệu đồng/người, thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2023, địa phương này cũng dẫn đầu cả nước về tiền thưởng tết 5,68 tỷ đồng cho quản lý cấp cao doanh nghiệp FDI Nhật Bản.

Về tình hình tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2025, tại Long An có 225 doanh nghiệp báo cáo tiền thưởng với 18.465 lao động. Theo đó, mức thưởng bình quân 2,2 triệu đồng/người; cao nhất là 30 triệu đồng/người; mức thấp nhất 0,2 triệu đồng/người đối với NLĐ mới vào làm việc dưới 6 tháng.

Về thưởng Tết Nguyên đán, có 968 doanh nghiệp báo cáo tiền thưởng với 127.232 lao động. Theo đó, mức thưởng cao nhất 519 triệu đồng/người (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), mức tiền thưởng bình quân 8,5 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất 1 triệu đồng/người đối với người lao động mới vào làm việc dưới 12 tháng.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa với khoảng 36.000 công nhân, chuyên gia công giày cho Tập đoàn Nike) cho biết, thưởng Tết Nguyên đán mức thấp nhất là 500.000 đồng/người, các mức thưởng tăng dần từ 15%, 25%, 35%... đến 135% tùy vào thời gian NLĐ vào công ty làm việc.

Mức thưởng cao nhất tại Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina là 150% tương đương hệ số 1,5 tháng lương/người, áp dụng đối với NLĐ làm việc trước ngày 15/1. Tiền thưởng sẽ được chuyển cho NLĐ vào ngày 16/1/2025.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã có kế hoạch thưởng tết. Trong 1.771 doanh nghiệp đã báo cáo, có 1.676 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán.

Theo đó, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của doanh nghiệp tại Bình Dương năm nay là 8,77 triệu đồng, thấp nhất là 4,96 triệu đồng (đối với NLĐ làm từ đủ 12 tháng, doanh nghiệp tính thưởng theo số thời gian làm việc thực tế). 

Mức thưởng cao nhất là 375 triệu đồng. Ngoài thưởng tết tại doanh nghiệp, dự kiến các tổ chức công đoàn, các địa phương cũng sẽ có các chính sách để chăm lo cho công nhân, NLĐ ở lại ăn tết, các chuyến tàu, xe nghĩa tình đưa công nhân khó khăn về quê và quay trở lại...

Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết, đã có tổng 824 doanh nghiệp (với 49.427 lao động) báo cáo về kế hoạch thưởng tết 2025. Hiện có 362 doanh nghiệp có dự kiến thưởng Tết Dương lịch 2025; 462 doanh nghiệp chưa có dự kiến thưởng.

Trong đó, dự kiến mức thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất là 151,4 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); mức thưởng bình quân là 3,16 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất là 200.000 đồng. 

Đối với thưởng dịp Tết Nguyên đán, 559 doanh nghiệp có dự kiến thưởng; 265 doanh nghiệp chưa có dự kiến thưởng. Trong đó, dự kiến mức thưởng cao nhất là 300 triệu đồng (doanh nghiệp dân doanh); mức thưởng bình quân là 5,65 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất là 200.000 đồng (doanh nghiệp dân doanh).

Tại Hà Giang đã có 38/46 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 39/46 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán.

Theo đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 3 triệu đồng/người; mức thưởng thấp nhất là 0,25 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 109,6 triệu đồng/người, thấp nhất là 0,3 triệu đồng/người. 

Thái Nguyên cũng đã thống kê trong 319 doanh nghiệp có 250 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Dương lịch, bình quân 900.000 đồng/người. Mức thưởng cao nhất 85 triệu đồng thuộc về công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước, thấp nhất 100.000 đồng.

242 doanh nghiệp cho biết thưởng Tết Nguyên đán mức bình quân 7,5 triệu đồng. Tiền thưởng cao nhất đạt 175 triệu đồng, thấp nhất 100.000 đồng… 

Để đảm bảo quyền lợi NLĐ, ngay từ đầu tháng 11, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025 của các doanh nghiệp đối với NLĐ trước ngày 15/12.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, trao đổi với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với NLĐ theo nội dung đã thỏa thuận;

Xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2024 theo quy định của Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân trong doanh nghiệp. 

Huyền Minh – Châu Giang

Báo Lao động và Xã hội số 151