Hồi tháng 4/2024, ông Nguyễn Nhật Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam bị cáo buộc quấy rối tình dục nữ nhân viên... đầu tháng 2 này, bức thư tuyệt mệnh dài 17 trang của Oh Yoanna - nữ MC đài MBC (Hàn Quốc) đã khiến dư luận phẫn nộ vì trong đó vạch trần các hành vi bạo lực tinh thần nơi công sở mà cô phải chịu đựng…
Đó là số ít câu chuyện về bạo lực và quấy rối tại công sở mà dư luận chỉ biết đến khi nạn nhân đã mạnh dạn lên tiếng, dù là sau khi chết như Oh Yoanna. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 20% người lao động từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực hoặc quấy rối tại nơi làm việc.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng những câu chuyện được báo chí phản ánh và chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy tình trạng này đang diễn ra ở nhiều ngành nghề, từ công sở đến nhà máy, doanh nghiệp...
Không chỉ bị quấy rối, nhiều người lao động còn bị bạo lực về tinh thần. Anh N. V. H. công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên bị quản đốc chửi mắng, thậm chí đe dọa nếu không hoàn thành công việc đúng tiến độ. Áp lực tâm lý khiến tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, thậm chí có lúc nghĩ đến việc bỏ việc dù gia đình còn đang khó khăn”.
Những câu chuyện trên phản ánh thực tế đáng buồn: Người lao động đang phải đối mặt với những hành vi bạo lực và quấy rối mà không biết cách tự bảo vệ.
Bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân mà còn làm suy giảm hiệu suất lao động, gây mất đoàn kết nội bộ và tác động tiêu cực đến uy tín và thương hiệu doanh nghiệp. Một môi trường đầy sợ hãi sẽ không thể nuôi dưỡng sáng tạo và sự gắn kết.
Không chỉ người lao động chịu ảnh hưởng, các doanh nghiệp cũng phải trả giá. Theo một nghiên cứu của McKinsey, những công ty có môi trường làm việc độc hại thường có tỷ lệ nghỉ việc cao hơn 40%, đồng thời năng suất giảm đáng kể.
Thực tế ở nhiều doanh nghiệp, văn hóa làm việc vẫn còn mang tính gia trưởng, thiếu sự tôn trọng giữa các cấp bậc. Điều này tạo điều kiện cho hành vi bạo lực và quấy rối. Người lao động, đặc biệt là phụ nữ và người yếu thế, thường trở thành nạn nhân của những hành vi này.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại về bạo lực và quấy rối.
Ông Trần Văn Hưng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Nicotex, Hà Nội cho biết: “Người lao động thường ngại tố cáo vì sợ bị trù dập hoặc mất việc. Họ cũng không tin tưởng vào khả năng giải quyết của công đoàn hoặc ban lãnh đạo. Điều này khiến nhiều vụ việc bị bưng bít”.
Đặc biệt, nhiều lao động phổ thông không hiểu rõ quyền lợi của mình và không biết cách tự bảo vệ. Đồng thời, một số người sử dụng lao động cũng chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của các hành vi này.
Theo bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Masan, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa tôn trọng và bình đẳng, nơi mọi người cảm thấy an toàn và được lắng nghe.
Điều này cần bắt đầu từ việc đào tạo nhân sự, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch trong giao tiếp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có quy định chống quấy rối tình dục rõ ràng, dễ hiểu và phổ biến đến toàn bộ nhân viên, trong đó định nghĩa rõ thế nào là quấy rối tình dục, các hành vi bị cấm, hậu quả nếu vi phạm.
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp nên thành lập bộ phận tiếp nhận và xử lý khiếu nại độc lập, đảm bảo tính bảo mật và công bằng. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, doanh nghiệp cần cung cấp nhiều kênh để nhân viên có thể tố cáo hành vi quấy rối, bao gồm cả kênh trực tiếp và trực tuyến.
Quan trọng nhất là đảm bảo người tố cáo sẽ không bị trả thù, phân biệt đối xử hoặc bất kỳ hình thức đe dọa nào sau khi tố cáo; có biện pháp xử lý nghiêm người vi phạm, từ cảnh cáo đến chấm dứt hợp đồng nếu cần.
Đồng thời, doanh nghiệp cần cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân của quấy rối tình dục, giúp họ vượt qua tổn thương tinh thần; hỗ trợ nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia pháp lý nếu họ muốn khởi kiện hoặc yêu cầu bồi thường.
“Mặc dù Bộ luật Lao động 2019 đã có quy định về phòng chống quấy rối tình dục; các bộ, ngành cũng đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đầy đủ và rõ ràng nên việc áp dụng các chế tài như xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự còn nhiều khó khăn.
Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như xây dựng các hướng dẫn cụ thể hơn về cách xử lý vụ việc”, Luật sư Đặng Văn Cường đề xuất.
Về phía công đoàn, cần chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt là việc giám sát chặt chẽ các quy định, nội quy lao động và thỏa ước tập thể, trong đó có các nội dung về quấy rối tình dục tại nơi làm việc; khuyến khích xây dựng môi trường làm việc tôn trọng, bình đẳng, tạo không gian an toàn, văn minh cho tất cả mọi người.
An Nhiên
Báo Lao động và Xã hội số 18