Ngày Quốc tế hạnh phúc không được xem là một ngày nghỉ lễ tết của người lao động. Tuy nhiên, người lao động có thể xin nghỉ vào ngày này theo trường hợp nghỉ hằng năm thì vẫn được hưởng nguyên lương.
Xin nghỉ làm ngày Quốc tế hạnh phúc vẫn được hưởng nguyên lương
Theo quy định hiện hành tại Điều 112 và Điều 113 của Bộ luật Lao động 2019 thì trong năm 2024 người lao động có 6 dịp lễ được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương gồm: Tết Dương lịch (1/1 dương lịch); Tết Âm lịch; Ngày Chiến thắng (Ngày 30/4); Ngày Quốc tế lao động (Ngày 1/5); Lễ Quốc khánh (Ngày 2/9); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Ngày 10/3 âm lịch).
Ngoài ra, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 1 ngày Quốc khánh của nước họ.
Như vậy, ngày Quốc tế hạnh phúc không được xem là một ngày nghỉ lễ tết nên người lao động không được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày này.
Tuy nhiên, người lao động có thể xin nghỉ vào ngày Quốc tế hạnh phúc theo trường hợp nghỉ hằng năm thì vẫn được hưởng nguyên lương.
Tại sao lại có ngày Quốc tế hạnh phúc
Tháng 6/2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy ý tưởng từ Bhutan, quốc gia được đánh giá là hạnh phúc cao nhất thế giới. Lý do khiến Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm.
Vào ngày này, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên độ dài ngày và đêm trong ngày bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Đây cũng chính là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…
Năm 2014 là lần đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ". Tự do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị, là mục tiêu của độc lập dân tộc.
Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước Độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh.