Liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay giá cả tăng cao không?
Có điểm khá tương đồng kể từ sau đại dịch Covid-19 là thị trường các mùa tết thường khá trầm lắng, sức mua suy giảm đáng kể so với những năm trước.
Nguyên nhân chính là tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, thu nhập của phần lớn người dân giảm sút nên nhiều gia đình buộc phải tính tới các giải pháp cắt giảm chi tiêu nhằm ưu tiên các khoản mục có ý nghĩa thiết thực như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh…
Nhìn vào những diễn biến của thị trường gần đây, đồng thời thăm dò hoạt động của một số doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng, có thể dự đoán thị trường Tết Ất Tỵ cũng chưa thoát ra được sự “trầm lắng” vốn ngự trị suốt 3 năm qua.
Theo dự báo từ một số chuyên gia thị trường, sức mua dịp tết có thể tăng nhẹ 2 - 3% so với năm ngoái, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu và sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, khách hàng sẽ chỉ mua khi có khuyến mãi và ưu tiên các sản phẩm có dung tích hay trọng lượng vừa phải để tiết kiệm chi phí.
Giá cả hàng hóa hiện chưa có dấu hiệu tăng mạnh nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì rất nhiều mặt hàng đã tăng giá 10 - 20%, bao gồm nhiều mặt hàng thiết yếu. Vì thế, khả năng giá cả tăng đột biến trong dịp tết (nếu có) thì cũng chỉ mang tính nhất thời và sẽ nhanh chóng ổn định ngay sau tết.
Hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi đã được tung ra nhằm kích cầu tiêu dùng. Tần suất các chương trình khuyến mãi năm qua tăng lên "chưa từng thấy", phản ánh nỗ lực kích cầu của các nhà sản xuất và phân phối.
Đơn cử, hệ thống MM Mega Market đã triển khai chương trình ưu đãi lớn với mức giảm giá lên đến 12% cho các đơn hàng tết sớm; các mặt hàng bình ổn giá được dự trữ tăng từ 6 - 14%, trong khi nhóm thực phẩm tươi sống có mức tăng cao nhất do nhu cầu dịp tết thường tăng đột biến.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thực phẩm cũng chuẩn bị nguồn cung dồi dào, trong đó riêng “ông lớn” Vissan đã chuẩn bị gần 930 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5%) và 3.700 tấn thực phẩm chế biến (tăng 8% so với năm ngoái).
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ tăng trưởng 1 - 4% trong tết 2025, trong đó khu vực nông thôn có triển vọng tích cực hơn so với đô thị.
Với tết rơi vào tháng 1, cao điểm mua sắm dự kiến bắt đầu sớm từ tháng 12, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vấn đề còn lại là sức mua của người tiêu dùng, có thể sẽ chưa có sự “bùng nổ” trong dịp tết nhưng liệu có khá hơn so với cùng kỳ 2023 không thì cần có thời gian kiểm chứng.
Khánh Nguyễn
Báo Lao động và Xã hội số 156