Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Thích nghi với nền kinh tế số

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt đó là các giao dịch điện tử trên internet.

Kỳ 1: Kinh doanh online lên “ngôi”

Hiện nay, kinh tế số không chỉ là xu hướng mà là một sức mạnh đang thay đổi toàn diện cách làm việc, giao tiếp và tiêu dùng của mỗi cá nhân để nâng cao hiệu suất kinh doanh, lao động, sản xuất.

Nếu trước đây, người dân phải mang hàng ra chợ bán trực tiếp, đối tượng tiếp cận chỉ vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế. Còn hiện nay, với thương mại điện tử (TMĐT), người kinh doanh có thể bán hàng cho nhiều đối tượng khách hàng mà không bị giới hạn về địa lý. Điều này đã tạo ra những thách thức đối với mô hình kinh doanh truyền thống.

Thích nghi với nền kinh tế số - 1
 Mặt bằng cho thuê ế ẩm trước sự lấn át của nền kinh tế số.

Chợ truyền thống ế ẩm

Hà Nội có nhiều khu chợ truyền thống, vốn là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân Thủ đô cả trăm năm nay. Thế nhưng giờ đây, những khu chợ này đang dần đánh mất vị thế của mình. Cảnh tượng buôn bán không còn tấp nập như xưa.

một số chợ truyền thống nổi tiếng của Hà Nội như: Chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), chợ Hôm hay chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm)... đều trong tình trạng đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều quầy hàng từ sáng sớm đã đóng cửa hoặc chỉ còn một vài tiểu thương ngồi buồn bã, thỉnh thoảng mới có vài khách vãng lai đến mua thực phẩm, rau, quả. 

Bà Loan, tiểu thương tại chợ Khâm Thiên cho biết, từ sau dịch Covid-19, khách đến chợ thưa thớt dần, đến giờ thì vắng hẳn. Buổi sáng còn có vài khách vào xem nhưng đến trưa hầu như không còn ai. Phía bên trong chợ, cả dãy sạp phủ bạt, có nơi chất thùng, ghế, chậu.

Chợ Hôm - Đức Viên cũng trong cảnh tương tự, các gian hàng gần như không có hoặc chỉ lác đác khách hỏi mua. Buôn bán ế ẩm, các tiểu thương ngồi tụm ba, tụm năm nói chuyện, người ngồi lướt điện thoại, ngủ gật...

Tiểu thương Mai Hoa bán dép chia sẻ: "Khách đến đây chủ yếu tham quan chợ và tham khảo giá. Bây giờ người ta thích mua quần áo, giày dép trên các kênh TMĐT vì rẻ và tiện hơn, không mất công ra chợ. Nhiều chủ quầy không bán được hàng đã phải chuyển nhượng lại quầy”.

Khách thuê “chê” nhà phố, nhà trong ngõ “đắt hàng”

Trước đây, nhà phố mặt tiền các tuyến đường lớn có đông dân cư, gần các khu chợ, trường học, bệnh viện, nơi có nhiều người qua lại… vẫn luôn được xem là vị trí đắc địa kinh doanh. Bởi ở những nơi này, cửa hàng dễ dàng tạo sự chú ý với khách hàng địa phương cũng như khách hàng vãng lai.

Nhưng giờ đây khi thói quen mua hàng online đã trở nên phổ biến, nhà mặt phố cho thuê ế ẩm, nhà trong ngõ lại “đắt hàng”.

Một số khu phố lớn như: Cầu Giấy, Kim Mã, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi, Huỳnh Thúc Kháng... nơi có nhiều trường đại học, văn phòng vào thời điểm trước năm 2020 để kiếm được mặt bằng thuê kinh doanh không dễ dàng.

Tuy nhiên hiện tại, trên nhiều tuyến phố ở những khu vực này, không khó để thấy cửa hàng đóng cửa, ngừng hoạt động kinh doanh. Nhiều cửa hàng treo biển thanh lý, sang nhượng toàn bộ hay gắn biển cho thuê đã khá lâu.

Chị Hải Yến, chủ căn nhà trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, chị treo biển cho thuê căn nhà 3 tầng hơn nửa năm nay nhưng vẫn không có khách thuê. Giá ban đầu đưa ra là 95 triệu đồng/tháng nhưng nay giảm còn 85 triệu đồng/tháng nhưng tình hình vẫn chưa khả quan.

“Tôi đã đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như giảm 10% giá thuê trong tháng đầu tiên, cho phép khách đặt cọc tiền 1 tháng thay vì 3 tháng như trước kia để giảm áp lực tài chính nhưng nhiều người hỏi song vẫn chưa ai chốt”.

Trái ngược với tình trạng ế ẩm của nhà mặt phố thì tại các con ngõ ở Hà Nội, nhu cầu thuê ngày càng tăng. Dù nhiều năm kinh doanh thời trang online khá thành công với hàng chục nghìn người theo dõi nhưng do cần một nơi giao dịch cố định, tạo uy tín và xây dựng thương hiệu nên chị Phương Lan quyết định mở một cửa hàng.

Thay vì chọn địa điểm mặt phố, chị Lan chọn trong ngõ. Chị Lan chia sẻ, với tệp khách hàng online đã có sẵn nên an tâm khi mở cửa hàng trong ngõ.

Chị Nguyễn Hằng từng thuê cửa hàng nhỏ trên phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy) để kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm cho hay, việc kinh doanh ế ẩm, doanh thu hàng tháng chỉ đủ trả tiền thuê mặt bằng và nhân viên. Chị đã trả lại cửa hàng, chuyển sang bán online ngay tại nhà.

“Từ ngày chuyển qua bán online tại nhà, dù đơn hàng không thể nhiều như trước nhưng ngoài tiền thuê cửa hàng, tôi tiết kiệm được chi phí điện nước, tiền nhân viên, bảo vệ… Thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng xã hội, học cách livestream bán hàng online để tăng doanh số”.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho rằng, công nghệ và internet đã thay đổi cách mua sắm, khiến việc kinh doanh online trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Từ quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm, đến dịch vụ giao hàng nhanh, mọi thứ đều có thể được thực hiện chỉ với vài cú nhấp chuột.

“Chính "làn sóng" kinh doanh online đã góp phần khiến nhu cầu thuê mặt bằng ở những vị trí đẹp giảm dần. Người kinh doanh đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chọn những mặt bằng rẻ hơn, kết hợp kinh doanh online để tồn tại trong thời đại số.

Hiện nay, rất nhiều người kinh doanh và doanh nghiệp chuyển sang bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT. Ở đây, người bán có thể tiếp cận khách hàng rộng khắp cả trong và ngoài nước, đồng thời tiết giảm khoản lớn chi phí thuê mặt bằng”, Phó Giám đốc PropertyGuru Việt Nam nói.

Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số Bộ Công Thương cho biết, năm 2025, TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm, quy mô thị trường TMĐT sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

Tỷ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT và kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Châu Anh

(còn nữa)

Báo Lao động và Xã hội số 22

Tin liên quan
Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

(LĐXH) - Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt, giá thuê nhà cao… là lý do rất nhiều công nhân mong muốn được tăng lương để có tiền trang trải cuộc sống...