Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

1/5 trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Điều tra Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố tháng 11/2023 cho biết, 1/5 trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng trong số đó chỉ 8,4% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Thực trạng sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam

Điều tra Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam đề cập một thực tế đáng lo ngại là nhiều trẻ em, vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần và các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, các hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình.

Anh minh hoa suc khoe tam than. Anh UNICEF.jpg
 Những lo lắng, buồn bã và bi quan nhìn chung được thể hiện với tần suất cao hơn trong nhóm trẻ ở độ tuổi lớn hơn (Ảnh minh họa: UNICEF)

Cụ thể, 21,7% trẻ vị thành niên (10-17 tuổi) có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong đó, rối loạn lo âu là nhiều nhất, chiếm 18,6%, sau đó đến trầm cảm... Nhưng chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Còn theo kết quả Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam do UNICEF Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành (công bố tháng 12/2023), khoảng 15-30% thanh thiếu niên ở Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. 

Trẻ em trai có tỉ lệ rối loạn hành vi cao hơn và trẻ em gái có tỉ lệ các vấn đề cảm xúc như lo âu và trầm cảm cao hơn.

Tự tử ở trẻ vị thành niên là một mối lo ngại lớn. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ý định tự tử ở tuổi vị thành niên bao gồm bị lạm dụng và bỏ mặc từ khi còn bé, chứng kiến bạo lực gia đình hoặc bạo lực hàng xóm, xâm hại tài sản, bắt nạt trên mạng và tình trạng dân tộc thiểu số.

Báo cáo Nghiên cứu về Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu và Phát triển (ODI) tiến hành với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH, công bố tháng 2/2018 cũng cho biết, 8-29% trẻ em và vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, con số này tương đương với khoảng 3 triệu thanh, thiếu niên.

Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý).

suc khoe tam than.jpg
1/5 trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Những hệ lụy nguy hiểm 

Kết hôn sớm, nghỉ học giữa chừng, áp lực phải mưu sinh sớm, sự khác biệt về ngoại hình, bị bạn bè và cộng đồng cô lập, cha mẹ ly hôn hoặc mâu thuẫn, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, áp lực học tập... là những lý do chính khiến cho trẻ vị thành niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, ở một số trẻ em, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng do dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và game trực tuyến.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em, khiến trẻ em không có được cuộc sống đầy đủ và hữu ích. Trẻ em bị rối loạn tâm thần phải đối mặt với những thách thức lớn do bị cô lập và phân biệt đối xử.

Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra, rối loạn hành vi là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật cho trẻ em trai ở lứa tuổi vị thành niên. Rối loạn trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở trẻ em gái ở giai đoạn cuối vị thành niên.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, điều cần thiết là tất cả cha mẹ, giáo viên, nhân viên xã hội, y tế, Chính phủ cần hành động để xóa bỏ sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần. Cần hiểu được sự khác biệt giữa trẻ em trai và gái trong việc trải nghiệm và ứng phó liên quan đến sức khỏe tâm thần.

UNICEF khuyến khích các quốc gia tập trung hành động vào những can thiệp sớm, đưa ra chiến lược phù hợp để xây dựng được kỹ năng nâng cao khả năng phục hồi, tăng cường sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Hiện nay, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội đã và đang tích cực tăng cường truyền thông, giáo dục các kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm thiểu các sang chấn tâm lý cũng như gánh nặng cho xã hội.

Bên cạnh đó, các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em cũng được kiện toàn và bổ sung nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc chăm sóc và điều trị sức khỏe tâm thần trẻ em.

Theo Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, tổng số cuộc gọi đến là 323.615 cuộc (giảm 44.829 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 23.741 cuộc gọi tư vấn (giảm 4.032 cuộc).

Tuy nhiên, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022, cụ thể: nhóm trẻ em 11-14 tuổi có 2.580 cuộc (chiếm 10,9%), tăng 0,3%; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 1.986 cuộc (chiếm 8,4%), tăng 5,3%.

Nội dung các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng ở các nội dung: khó khăn liên quan đến các mối quan hệ ứng xử; sức khỏe thể chất; sức khỏe tâm lý... 

Phương Anh