Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 04/02/2024 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, trẻ em bị đuối nước.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang đã ban hành các kế hoạch, công văn hướng dẫn và triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, nhấn mạnh nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Sở cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan để xây dựng và hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh việc chủ động và tích cực trong công tác chỉ đạo và triển khai các kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng và đăng tải hàng chục tin, bài viết, ảnh, phóng sự trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, trang thông tin điện tử của ngành, hệ thống loa truyền thanh ở các cấp. Tổ chức truyền thông lưu động về tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tổ chức 3 hội nghị truyền thông về kỹ năng bảo vệ trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em cho 420 đại biểu là trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Cấp phát 46.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng. Tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị triển khai công tác của ngành và địa phương.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng tiếp tục triển khai rộng rãi ứng dụng phần mềm “Phòng, chống xâm hại trẻ em” đến cộng đồng dân cư, trường học, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác trẻ em và bình đẳng giới tại 5 huyện và 12 xã, thị trấn, trong đó chú trọng công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ trẻ em: 2 đơn vị cấp huyện tổ chức diễn đàn trẻ em.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 49 lớp tập huấn kiến thức về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới, an toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2024 với sự tham gia của 5.130 cán bộ, hội viên phụ nữ và cha mẹ có con dưới 16 tuổi.
Các cấp Hội phối hợp cơ quan chức năng tổ chức 512 cuộc tuyên truyền cho 46.134 phụ huynh, học sinh, giáo viên các trường học và cán bộ, hội viên phụ nữ về kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, tai nạn thương tích, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực học đường, phòng chống cháy nổ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống tuổi vị thành niên;
Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Hội phụ nữ và Bộ Công an về “Quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội”, tổ chức cho trên 90% gia đình cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội.
Trong quá trình thực hiện các nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể và địa phương, đảm bảo xử lý kịp thời và đúng quy định pháp luật các vụ việc xâm hại trẻ em.
Tuy vậy, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp, nhất trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Một số địa phương cấp huyện, xã thực hiện chế độ thông tin báo cáo vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn chưa kịp thời, không đầy đủ.
Nguyên nhân chủ yếu là do: Một số cấp uỷ, chính quyền cấp xã chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác trẻ em còn chưa kịp thời, thiếu kiểm tra đôn đốc, kiểm điểm để rút kinh nghiệm và đề ra những biện pháp thực hiện hiệu quả. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có nơi còn chưa thường xuyên, chặt chẽ.
Một số gia đình, cha mẹ tập trung thời gian vào việc phát triển kinh tế, đi làm ăn xa, ít có thời gian chăm sóc, lắng nghe trẻ tâm sự, trò chuyện. Cán bộ cấp thôn kiêm nhiệm công tác trẻ em không được hưởng phụ cấp nên kết quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Kinh phí phân bổ cho công tác trẻ em chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác bảo vệ trẻ em tỉnh Bắc Giang năm 2024 là giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại, bảo đảm việc phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các kế hoạch, quy chế đã đề ra (Kế hoạch số 308/KH-UBND ngày 30/10/2020, Kế hoạch số 1481/KH-UBND ngày 10/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Quy chế phối hợp số 211/QCPH-SLĐ-TB&XH-SGD&ĐT-SYT-CAT ngày 16/10/2023 của Sở LĐ-TB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an tỉnh về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh); Tăng cường công tác truyền thông và giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ trẻ em; Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu về bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại các địa phương để giám sát và đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em; Kịp thời can thiệp, hỗ trợ trường hợp trẻ em bị xâm hại ngay sau khi được phát hiện.
Những nỗ lực của tỉnh Bắc Giang trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và xâm hại, sẽ tạo ra một môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Bắc Giang tiếp tục triển khai ứng dụng phần mềm “Người trợ lý ảo” trong phòng, chống xâm hại trẻ em và người dưới 18 tuổi với các bộ câu hỏi liên quan đến lĩnh vực: xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phòng chống ma túy, căn cước công dân, an toàn giao thông...; Các hình ảnh hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, đường dây nóng của các đơn vị như: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tổng đài khẩn cấp về an ninh trật tự 113, tổng đài phòng cháy 114, số điện thoại cấp cứu y tế 115 và những tình huống liên quan đến xâm hại trẻ em nhằm trực quan hóa các kiến thức, kỹ năng bảo vệ phòng ngừa trước các loại tội phạm cho trẻ em và người chưa thành niên; Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ứng dụng tên gọi “Phòng, chống xâm hại trẻ em” đến cộng đồng dân cư, trường học… |
PV
Ấn phẩm Vì trẻ em số 11