Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Giáo dục kỹ năng sống: Nền tảng giúp học sinh phát triển toàn diện

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Giáo dục kỹ năng sống không chỉ giúp học sinh tiếp thu tri thức mà còn hình thành phẩm chất tốt đẹp, trang bị các kỹ năng cần thiết để các em tự tin đối mặt với thử thách trong cuộc sống.

Vai trò của kỹ năng sống trong giáo dục

Kỹ năng sống thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội, ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến sức khỏe, bảo vệ quyền con người. Người có kỹ năng sống thực hiện những hành vi tích cực, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, sống hạnh phúc và làm chủ cuộc sống.

Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống là nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc lồng ghép vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa thực sự hiệu quả do chưa được xây dựng thành môn học độc lập.

Giáo dục kỹ năng sống: Nền tảng giúp học sinh phát triển toàn diện - 1
Dạy kỹ năng bơi cho học sinh tại Trường PTTH Phan Huy Chú, Hà Nội.

Các kỹ năng như tự phục vụ, tự nhận thức, giao tiếp, lắng nghe, giải quyết vấn đề hay tư duy sáng tạo cần được chú trọng để giúp học sinh vượt qua thử thách và hòa nhập với xã hội.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Phương pháp giáo dục kỹ năng sống hiệu quả nhất là thực hành và trải nghiệm. Các chương trình học cần thực tế và gần gũi với nhận thức của học sinh”.

Lồng ghép giáo dục kỹ năng sống trong trường học

Trong nhiều năm qua, những nội dung giáo dục kỹ năng sống đã và đang được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường ở các cấp học. 

Tại Lạng Sơn, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã tích cực lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động học tập và ngoại khóa. Nhà trường thành lập câu lạc bộ truyền thông nội trú và trang fanpage chính thức để giúp học sinh nâng cao kỹ năng giao tiếp và ứng xử trên mạng xã hội.

Học sinh tham gia CLB là lực lượng nòng cốt tuyên truyền và theo dõi, phát triển trang fanpage, cập nhật những thông tin chính thống, bổ ích. 

Em Đào Mai Trang, lớp 12A2, cho biết: “Ngoài những giờ học trên lớp, các thầy cô còn thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, hướng dẫn chúng em cách ứng xử với bạn bè, kỹ năng tự lập trong môi trường nội trú.

Giáo dục kỹ năng sống: Nền tảng giúp học sinh phát triển toàn diện - 2

Thầy cô cũng hướng dẫn chúng em khai thác những thông tin bổ ích trên Internet; cách giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng. Nhờ đó, sau 3 năm học tại trường, em đã tích lũy được nhiều kỹ năng sống và trưởng thành hơn”.

Tại Hà Nội, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nổi bật với chương trình giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động thực tế. Nhà trường tập trung trang bị cho học sinh các kỹ năng làm chủ bản thân, thích ứng với cuộc sống và học tập suốt đời.

Đặc biệt, 12 giá trị sống được UNESCO công nhận, bao gồm hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, trách nhiệm, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, đoàn kết, giản dị và tự do, được lồng ghép vào các môn học như Giáo dục công dân, Địa lý, và Giáo dục thể chất. Cách tiếp cận này giúp học sinh áp dụng những giá trị nhân văn vào thực tế cuộc sống.

Nguyễn Hồng Hải, học sinh lớp 11A3, chia sẻ: “Sau mỗi buổi học kỹ năng sống hay giá trị sống, em và các bạn được tiếp cận nhiều chủ đề, qua đó rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, hợp tác, hay hùng biện trước đám đông. Những kỹ năng này giúp chúng em tự tin hơn trong học tập và cuộc sống”.

Cô Hà Thị Huyền, giáo viên của trường, nhấn mạnh: “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ giúp các em làm chủ bản thân và sống tích cực mà còn định hướng cho sự phát triển toàn diện, hướng đến tương lai lành mạnh và bền vững”.

Thùy Dương

Ấn phẩm Vì trẻ em số 23