Từ sự chú ý của cộng đồng mạng đến “công cụ kiếm tiền”
Các em bé với xuất phát điểm ban đầu là sở hữu ngoại hình, cử chỉ hay lời nói dễ thương tự nhiên. May mắn một ngày, các em trở nên nổi tiếng với những video mà cha mẹ đăng tải trên mạng xã hội và được cộng đồng mạng chú ý.
Từ đó, việc ghi lại những khoảnh khắc đời thường của con dần mang theo tham vọng của cha mẹ trong việc tạo ra lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, mạng xã hội hiện đại đã làm thay đổi cách hiểu truyền thống về mối quan hệ lao động, khi có nhiều cách để bố mẹ có thể khai thác giá trị vật chất từ sự nổi tiếng của con mình.
Nguồn thu nhập dễ dàng nhận thấy nhất chính là từ các nền tảng mạng xã hội trả tiền cho những nhà sáng tạo có video đạt lượt xem cao hoặc từ các hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, có một hình thức khó nắm bắt hơn nhiều đó là nhờ vào sức ảnh hưởng của con, bố mẹ mở rộng, phát triển các hoạt động kinh doanh khác.
Everleigh Rose Soutas, một bé gái người Mỹ nổi tiếng trên YouTube và Instagram, là một ví dụ điển hình của trẻ em nổi tiếng vì ngoại hình xinh xắn. Mẹ cô bé, Savannah LaBrant, đã tạo tài khoản mạng xã hội cho Everleigh từ khi còn nhỏ.
Cô bé nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý và thu hút hàng triệu người theo dõi nhờ những video dễ thương, phong cách thời trang và cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, gia đình LaBrant đã đối mặt với nhiều chỉ trích về việc khai thác hình ảnh Everleigh để kiếm tiền thông qua các hợp đồng thương mại, quảng cáo và nội dung YouTube.
Điểm lại một số trường hợp xử phạt công khai đối với bố mẹ lợi dụng con cái nổi tiếng trên mạng để kiếm tiền đã thu hút sự chú ý của dư luận ở nước ngoài như vụ việc của kênh YouTube DaddyOFive tại Mỹ.

Cặp vợ chồng Mike và Heather Martin đã đăng tải hàng loạt video "prank" với năm đứa con của mình, nhiều video trong số đó chứa những cảnh gây sốc và bạo lực tinh thần. Trong các video, hai con trai nhỏ, Cody và Emma, thường bị đối xử tệ bạc, như bị đổ tội oan hoặc phải chịu những trò đùa quá mức khiến các em khóc lóc hoảng sợ.
Những nội dung này nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem, nhưng đồng thời cũng bị dư luận chỉ trích nặng nề vì đã gây tổn thương tâm lý cho trẻ em và biến các em thành công cụ kiếm tiền.
Sau khi vụ việc bị phanh phui bởi các YouTuber khác và các tổ chức bảo vệ trẻ em, cơ quan chức năng đã vào cuộc, buộc vợ chồng Martin phải đối diện với hậu quả pháp lý. Cặp đôi này mất quyền giám hộ hai con trai, đồng thời nhận án treo 5 năm vì cáo buộc hành hạ tinh thần trẻ em.
Kênh DaddyOFive cũng bị YouTube đình chỉ và các video gây tranh cãi bị xóa bỏ. Vụ việc không chỉ làm dấy lên làn sóng phản đối việc khai thác trẻ em trên mạng xã hội mà còn cảnh báo về những nguy cơ khi nội dung trực tuyến vượt qua ranh giới đạo đức, đẩy trẻ em vào tình huống bị lợi dụng và tổn thương tinh thần.
Tạo một môi trường để con chia sẻ, nhưng phải đảm bảo quyền của trẻ em
Luật sư Nguyễn Phó Dũng - Giám đốc, Luật sư điều hành của Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự chia sẻ: “Hiện nay, Bộ luật Lao động chưa có quy định nào rõ ràng về việc phần thu nhập của trẻ em phải được dành một phần cho việc phát triển giáo dục hoặc chăm sóc tương lai của trẻ.
Nhưng căn cứ vào Điều 77, Luật Hôn nhân và Gia đình thì con dưới 15 tuổi cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng quyền định đoạt tài sản vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Ông cũng nói thêm: “Có thể áp dụng những quy định biện pháp tương tự, nhưng phải phù hợp với Việt Nam vì việc trẻ em tham gia thị trường lao động này là điều tất yếu.
Chúng ta nên phát huy tối đa những gì tốt đẹp nhất, tạo một môi trường để con trẻ được chia sẻ, thể hiện mình nhưng điều quan trọng nhất vẫn đảm bảo quyền cho trẻ.”
Đặt trong hoàn cảnh môi trường lao động không chính thức như mạng xã hội, nhiều vấn đề về quyền lợi trẻ em cần được xem xét. Những quy định giúp điều chỉnh và là hồi chuông để tất cả những bậc cha mẹ, nhất là những nhà làm luật phải thay đổi để có những chính sách đổi mới phù hợp với thực trạng xã hội bây giờ.
Hương Giang