Theo ông, cha mẹ có thể giáo dục trẻ em bảo vệ rừng nói riêng và thiên nhiên nói chung bằng những hành động cụ thể nào?
- Ông Trịnh Lê Nguyên: Chúng tôi tin rằng giáo dục trẻ về bảo vệ môi trường từ sớm chính là nền tảng cho một tương lai bền vững. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên thông qua các chuyến dã ngoại, tham quan rừng hoặc đến thăm các khu bảo tồn.

Những trải nghiệm thực tế này giúp trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và hiểu rõ vai trò quan trọng của hệ sinh thái.
Ngoài ra, trẻ em có thể tham gia các hoạt động thiết thực như “Tết trồng cây”, dọn dẹp rác hoặc thực hiện các dự án nhỏ về bảo vệ môi trường ngay tại trường học.
Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ hiểu về quá trình phục hồi rừng mà còn hình thành ý thức trách nhiệm với môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể kể chuyện, chia sẻ thông tin về hệ sinh thái, sự phụ thuộc của con người vào thiên nhiên để trẻ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Không chỉ dừng lại ở những bài học lý thuyết, trẻ còn có thể rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường ngay từ những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như tiết kiệm nước, điện, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường hay phân loại rác.
Khi cha mẹ làm gương, trẻ sẽ học theo và dần hình thành nhận thức cũng như hành vi tích cực, góp phần xây dựng một môi trường sống xanh, sạch và bền vững.
Phải chăng đó cũng là ý tưởng để PanNature thực hiện dự án “Góp lá, vá rừng - Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”?
- Đúng vậy. Dự án “Góp lá, vá rừng” được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc phục hồi các khu rừng suy thoái và phân mảnh nghiêm trọng tại Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt là hành lang rừng tự nhiên kết nối giữa huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Vân Hồ (Sơn La).
Đây là khu vực có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, duy trì đa dạng sinh học và hỗ trợ sinh kế người dân địa phương.
“Góp lá, vá rừng” là một sáng kiến kết hợp giữa du lịch bền vững và bảo vệ môi trường được thực hiện từ 27/5-31/12/2024. Theo đó, các nhà tài trợ lập quỹ trồng rừng cho chương trình “Rừng xanh lên” do PanNature triển khai.
Sáng kiến này không chỉ tạo điều kiện phục hồi rừng mà còn thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cộng đồng trong đó có thế hệ trẻ về bảo vệ thiên nhiên; thúc đẩy lối sống xanh, bền vững. Dự án này được trao Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize 2024 cho Hạng mục Ý tưởng Phát triển Bền vững.

Tính đến nay, dự án đã trồng được bao nhiêu cây và xanh hóa bao nhiêu hecta rừng?
- Chỉ sau 5 tháng triển khai, “Góp lá, vá rừng” đã trồng được 35.000 cây xanh, phục hồi 53ha rừng, vượt mục tiêu ban đầu là 30.000 cây và 50ha. Các khu vực triển khai gồm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò (tỉnh Hòa Bình) với 16.000 cây trên 24ha và xã Vân Hồ (tỉnh Sơn La) với 2.000 cây trên 3ha.
Với chương trình “Rừng xanh lên”, từ năm 2022, PanNature đã cùng cộng đồng và chính quyền các địa phương trồng khoảng 70.000 cây trên diện tích hơn 100ha ở khu vực Mai Châu - Vân Hồ. Mục tiêu của chương trình là phục hồi ít nhất 500ha rừng tự nhiên trong 10 năm (2022 - 2032).
PanNature lựa chọn những loại cây nào để trồng rừng? Việc trồng rừng có tác động gì đến đời sống người dân địa phương?
- Chúng tôi ưu tiên các loài cây bản địa, đa tầng tán để phục hồi rừng tự nhiên bền vững. Cách bố trí này giúp duy trì nguồn nước, chống xói mòn và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái.
Những loài cây này không chỉ có giá trị sinh thái mà còn cung cấp lâm sản ngoài gỗ như quả, hạt, tinh dầu và dược liệu, giúp cộng đồng khai thác bền vững tài nguyên rừng và tăng thu nhập mà không cần khai thác gỗ. Bên cạnh đó, rừng được phục hồi còn góp phần phát triển du lịch sinh thái, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Người dân địa phương đã đóng góp gì để cùng PanNature và các nhà tài trợ xanh hóa rừng?
- Chúng tôi vô cùng trân trọng vai trò của cộng đồng địa phương trong dự án “Góp lá, vá rừng”. Ngay từ những bước đầu tiên, khi dự án được khởi động, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của bà con và các cơ quan quản lý địa phương để xác định khu vực trồng rừng cũng như lựa chọn các loài cây phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Nhờ đó, bà con không chỉ chủ động đề xuất loại cây và vị trí trồng mà còn giúp dự án đạt hiệu quả cao trong việc phục hồi rừng, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cộng đồng.
Trong quá trình triển khai, người dân địa phương, trong đó có giới trẻ đóng vai trò nòng cốt, tham gia trực tiếp vào các công đoạn quan trọng như chuẩn bị đất, trồng và chăm sóc cây non, đảm bảo cây phát triển tốt trong môi trường tự nhiên.
Họ cũng chính là những “người bảo vệ rừng”, tích cực giám sát, ngăn chặn các hành vi xâm hại như chặt phá, cháy rừng, góp phần duy trì sự bền vững cho khu rừng trồng. Bên cạnh đó, với vốn tri thức bản địa phong phú, bà con đã góp ý lựa chọn các loài cây vừa có giá trị bảo tồn sinh thái, vừa mang lại tiềm năng kinh tế.
Thanh Huyền (thực hiện)
Ấn phẩm Vì trẻ em số 3