Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Giúp con vững bước vào đời

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con trưởng thành.

Vậy, các bậc phụ huynh cần làm gì để giúp con vững bước vào đời? 

Dạy con tự lập ngay từ nhỏ

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ em được cha mẹ rèn luyện tính tự lập từ nhỏ thường có xu hướng trở thành những người thành công trong tương lai và biết cách đối mặt với khó khăn. 

Giúp con vững bước vào đời - 1
Cha mẹ lắng nghe mà không phán xét sẽ giúp con cảm thấy suy nghĩ và cảm xúc của mình được tôn trọng (Ảnh: Nguyễn Hoàng).

Đối với trẻ em, việc nhà là một hoạt động rèn luyện tốt mọi kỹ năng, phối hợp đồng thời cả não bộ và cơ thể. Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên dạy trẻ cách tự chăm sóc bản thân, dọn đồ chơi, quét nhà, rửa chén, nấu ăn… Trẻ nhỏ làm việc nhỏ, dần dần, trẻ sẽ phát triển khả năng logic, tập trung và thực hành để giải quyết vấn đề.

Trang bị cho con các kỹ năng quan trọng

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thành công của một người không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số hay trình độ học vấn, nó phụ thuộc phần lớn vào tính cách, kỹ năng mà người đó có được. 

Cha mẹ cần giúp con rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản, như kỹ năng giao tiếp, quản lý tài chính cá nhân, giải quyết xung đột... Những kỹ năng này không chỉ giúp con tự lập mà còn làm tăng sự tự tin khi trẻ biết rằng, mình có khả năng tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Khuyến khích sự tò mò và sáng tạo

Trong xã hội hiện đại, khả năng thích nghi và sáng tạo được xem là những yếu tố quyết định thành công. Cha mẹ có thể giúp con phát triển các kỹ năng này bằng cách khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, khám phá sở thích cá nhân, tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Bạn cũng nên khuyến khích con học hỏi từ sai lầm. Khi trẻ thấy rằng thất bại không phải là dấu chấm hết mà là cơ hội để học hỏi, chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với những thử thách trong tương lai.

Dạy con biết ước mơ 

Giúp con vững bước vào đời - 2
Tò mò và thích khám phá, sáng tạo là những đặc điểm của một đứa trẻ thành công trong tương lai (Ảnh: Thanh Huyền).

Trẻ em ai cũng có ước mơ, nhưng điều quan trọng là cha mẹ có thể làm gì để cùng con biến ước mơ đó trở thành hiện thực. 

Ví dụ, trẻ thích trở thành một kỹ sư máy tính, thì ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ  có thể cho con tìm hiểu về máy tính, lập trình và các tài liệu liên quan đến lĩnh vực này. Điều đó giúp trẻ hiểu kỹ hơn về công việc và ngành nghề mình sẽ theo đuổi trong tương lai.

Lắng nghe và thấu hiểu con

Sự thấu hiểu của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tự tin cho trẻ. Cha mẹ lắng nghe mà không phán xét sẽ giúp con cảm thấy suy nghĩ và cảm xúc của mình được tôn trọng.

Ca sĩ Taylor Swift từng chia sẻ rằng, cha mẹ luôn là những người lắng nghe cô nhiều nhất, từ những bài hát đầu tiên cô sáng tác cho đến những khó khăn trong cuộc sống. Chính sự ủng hộ của cha mẹ đã giúp cô tự tin phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình, bất chấp những lời chỉ trích và áp lực từ công chúng.

Khen ngợi nỗ lực thay vì kết quả

Khi cha mẹ chỉ tập trung vào kết quả, trẻ có thể cảm thấy áp lực và lo lắng nếu không đạt được kỳ vọng. Ngược lại, việc khen ngợi nỗ lực sẽ giúp trẻ nhận ra giá trị của quá trình làm việc chăm chỉ, từ đó nuôi dưỡng sự tự tin trong những lần thử thách tiếp theo.

Một ví dụ điển hình là cầu thủ bóng rổ Michael Jordan. 

Bộc lộ tài năng bóng rổ từ sớm, Michael được cha hết mực ủng hộ. Cha của Michael - ông James, dù yêu thích bóng chày, nhưng luôn sẵn sàng dành vài giờ mỗi ngày để đưa con trai đi chơi bóng rổ.

Ông cũng là người động viên Michael khi cậu bị chê thấp bé ở đội bóng trường trung học Laney. Sự động viên của cha đã giúp Michael xây dựng sự tự tin để trở thành một trong những vận động viên vĩ đại nhất mọi thời đại.

Làm điểm tựa cho con

Trẻ em được nuôi dạy trong một môi trường yêu thương, tôn trọng và đồng cảm sẽ phát triển lòng tự tin và khả năng ứng phó với những thách thức trong cuộc sống.

Trong cuốn sách “The Power of Showing Up” (tạm dịch Sức mạnh của việc ở bên con), hai chuyên gia hàng đầu về tâm lý trẻ em Daniel Siegel và Tina Payne Bryson nhấn mạnh rằng, cha mẹ không cần phải hoàn hảo, để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc và thành công, điều quan trọng không phải là số lượng thời gian hay tiền bạc bạn đầu tư, mà là chất lượng của sự hiện diện.

Một phút tương tác thực sự với con, đọc sách cho con hay tâm sự với con có giá trị hơn 10 phút bạn ở bên con nhưng tay vẫn bấm điện thoại hay mắt dán vào màn hình tivi. Đó là định nghĩa thực sự của sự hiện diện.

Không so sánh con với người khác

So sánh có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và khiến chúng nghi ngờ bản thân. Thay vì so sánh, cha mẹ nên giúp con nhận ra điểm mạnh của mình và khuyến khích con phát huy những điểm mạnh đó.

Những câu nói: “Con nhà người ta thì…, còn con nhà mình thì…” cần phải loại bỏ khỏi "từ điển Làm cha mẹ", bởi chúng không chỉ khiến trẻ bị tổn thương mà còn cảm thấy vô cùng áp lực, dẫn đến stress, thậm chí là trầm cảm.

Định hướng giá trị sống

Bên cạnh việc hỗ trợ con về tâm lý và các kỹ năng, cha mẹ cũng cần định hướng cho con những giá trị sống đúng đắn. Trẻ cần hiểu rằng, thành công không chỉ đo bằng vật chất, mà còn nằm ở việc sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Hãy dạy con biết yêu thương, chia sẻ và tôn trọng người khác. Những giá trị này sẽ giúp con trở thành một người có ích và hạnh phúc trong cuộc sống.

Làm gương cho con

Trẻ em thường học hỏi từ cách cha mẹ xử lý các tình huống trong cuộc sống. Nếu cha mẹ sống có trách nhiệm, tích cực, biết cách vượt qua khó khăn, con sẽ học được những phẩm chất này từ cha mẹ.

Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của một đứa trẻ. Bằng cách khuyến khích con sống tự lập, ưa khám phá và sáng tạo, lắng nghe và làm gương, cha mẹ có thể giúp con vững vàng bước vào đời. 

Phương Anh

Ấn phẩm Vì trẻ em số 3

Tin liên quan
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.