Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Cô gái “gieo” ước mơ bóng đá đến trẻ em vùng cao

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Xuất phát từ tình yêu trẻ em và niềm đam mê bóng đá... từ năm 2020 đến nay, Nguyễn Thị Trúc Phương (SN 1998) đã trải qua hành trình giúp hơn 5.000 trẻ em vùng cao được tiếp xúc với bóng đá.

Đồng thời, Trúc Phương hỗ trợ làm 13 sân bóng làng, xã trải dài ở các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Phú Yên, Sơn La, Hà Giang...

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo ở Đồng Nai, Trúc Phương hiểu những khát khao, thiệt thòi của trẻ em nghèo. Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, cô đã nhận được học bổng, xe đạp… và có cơ hội học tập. Những người tốt bụng ấy đã "truyền lửa" cho cô quyết tâm tham gia các hoạt động thiện nguyện. 

Cô gái “gieo” ước mơ bóng đá đến trẻ em vùng cao - 1
Trúc Phương (đứng thứ 3 từ phải) cùng dự án "Gieo ước mơ bóng đá" đến với trẻ em vùng cao.

Năm 2019, trong lần đi thiện nguyện tại Đắk Nông, Trúc Phương tình cờ thấy nhóm bạn nhỏ người dân tộc Mạ đá bóng trên sân đất. Hình ảnh hai chiếc dép được đặt làm cầu môn, những bàn chân trần rướm máu mải miết đuổi theo quả bóng đã cũ, rách khiến Trúc Phương xúc động, nghẹn lòng. Các em nhỏ ở đây không có tiền mua giày, mua bóng nhưng rất yêu bóng đá...

Tháng 1/2020, Trúc Phương thành lập Quỹ Gieo ước mơ bóng đá với hy vọng, dự án có thể đem đến cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa những bộ đồ, đôi giày mới và những dụng cụ khác như lưới, khung thành… chơi thể thao an toàn. Quan trọng nhất, cô muốn chắp cánh cho đam mê, giúp các em theo đuổi giấc mơ bóng đá. 

Quỹ hoạt động bằng cách vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền hoặc hiện vật để mang lên vùng cao cho các em. Sau vô vàn khó khăn, những chương trình đầu tiên của Quỹ Gieo ước mơ bóng đá tại Đắk Nông và Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra trơn tru - bước đệm đầu tiên cho của dự án. 

Ngoài vận động, Trúc Phương còn tổ chức các giải bóng đá thiện nguyện gây quỹ. Thành công của những giải đấu mang lại tiếng vang lớn và giúp dự án có chỗ đứng trong lòng bóng đá phủi TPHCM. Cô là gương mặt quen thuộc ở các giải đấu bóng đá phủi lớn nhất tại TPHCM.

 "Có người tưởng tôi là bạn gái cầu thủ bởi giải nào cũng có mặt. Sau này khi biết tôi làm dự án "Gieo ước mơ bóng đá", anh em trong giới “phủi” cũng dành nhiều quan tâm, ủng hộ tiền, vật chất cho dự án...", Trúc Phương cười nói.

Hơn 4 năm qua, Quỹ Gieo ước mơ bóng đá đã để lại những thành tích đáng nể khi hỗ trợ làm 13 sân bóng làng, xã trải dài ở các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Phú Yên, Sơn La, Hà Giang... tổ chức giải bóng đá cộng đồng cho thanh thiếu niên ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang và những lớp bóng đá miễn phí tại 5 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Hà Giang. Đến nay, quỹ đã giúp hơn 5.000 trẻ em vùng sâu, vùng xa và vùng cao tiếp cận với bóng đá.

Các lớp học "Gieo ước mơ bóng đá" dần trở thành điểm đến của các nhà tuyển vận động viên bóng đá trẻ. Đến nay, 27 bạn nhỏ ưu tú đã trưởng thành từ các giải đấu do "Gieo ước mơ bóng đá" tổ chức được gửi đến các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp để đào tạo như: Tuấn Bảo ở đội U12 Becamex Bình Dương, Đỗ Hữu Lợi ở đội U13 Đắk Lắk… Ngoài ra, Ngọc Tân, Khôi Nguyên, K Trường, K Biển, Thái Hoàng... rất tiềm năng và đang được trui rèn trước khi gửi đến các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.

Thời gian tới, Trúc Phương sẽ tiếp tục duy trì lớp bóng đá miễn phí, đồng thời tổ chức các giải bóng đá để các em có cơ hội giao lưu và nâng cao kỹ năng. Bên cạnh đó, cô dự định đưa các em từ vùng cao xuống thành phố, giới thiệu các em đến với những trung tâm bóng đá chuyên nghiệp để giao lưu với những cầu thủ nổi tiếng, tham gia các học viện bóng đá…

Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 121