Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Đừng đem con ra so sánh

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Việc so sánh con mình với “con nhà người ta” để giáo dục có lẽ là thói quen của nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, điều này không khiến con bạn tiến bộ mà còn gây tác dụng ngược, tạo tâm lý khó chịu và áp lực, vô tình ngăn chặn sự thành công trong tương lai của con.

Phản ứng tiêu cực khi bị so sánh

Em Phan Đức Long, học sinh Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhớ lại: “Từ lúc 5 tuổi, em đã nhận thức được sự so sánh của bố mẹ giữa em với những đứa trẻ khác.

Cụm từ “con nhà người ta” đã ám ảnh em đến tận bây giờ và em sợ đối mặt với nó. Em thường bị bố mẹ so sánh trong học tập hay ngoại hình như: “Mày nhìn con nhà người ta cao to thế kia, còn mày thì chán…”, hay “Cùng một thầy, nó được học sinh giỏi, ngoan ngoãn, mày thì chẳng được tích sự gì”… 

ảnh 1A so sánh .jpg
Cha mẹ không nên so sánh con với người khác. Ảnh: T.H

Những câu nói ấy khiến em bức xúc và nản chí. Cũng vì thế, em ghét luôn những bạn mà mình bị so sánh. Khi bị so sánh, em thường nhốt mình trong phòng và tức giận đấm liên tục vào tường.

Có lần em bật lại: “Bố mẹ thích thì mang con người ta về mà nuôi”. Dù thế nào, em vẫn muốn là chính mình, không muốn bị so sánh”, Long nói.

Em Bùi Đức Dương, học sinh Trường THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bực bội khi mẹ so sánh chiều cao của em với con của bạn mẹ, không những thế còn bị so sánh ngay trong chính gia đình mình.

“Em thường bị mẹ so sánh với bố: “Sao con không học được những đức tính tốt của bố? Ngày xưa nhà nghèo làm gì có tiền đi học thêm mà bố học vẫn giỏi và thi đỗ 3 trường đại học danh tiếng”; “Ngày xưa bằng tuổi con bố biết làm bao nhiêu việc. Bố chăm chỉ vừa băm rau, nấu cám cho lợn ăn, vừa đọc sách mà học bạ của bố toàn trên 8, được cô chủ nhiệm nhận xét tốt về mọi mặt…”…

Nghe lần đầu, em cũng thấy cảm phục bố. Nhưng khi câu chuyện lặp đi lặp lại, em lại cảm thấy nhàm chán, áp lực, tự ti vì mình thua kém với người khác. Mỗi khi bị so sánh, em thường thu mình lại, có lúc rơi vào trầm cảm. Em ít trò chuyện, cách xa bố mẹ hơn”, Đức Dương tâm sự.

Cha mẹ cần học cách tôn trọng con

Theo các chuyên gia giáo dục, phương pháp nêu gương được thừa nhận về mặt khoa học, giáo dục, nhưng nêu gương bằng cách so sánh con mình với con người ta và áp đặt con mình thì lại là cách làm không đúng và phản giáo dục.

Lý giải nguyên do các bậc cha mẹ hay so sánh con mình, TS Nguyễn Thị Hương, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Tham vấn tâm lý và giáo dục Sunrise (Hà Nội) cho rằng: Về cơ bản, cha mẹ so sánh như vậy là mong cho con tốt lên nhưng thực tế lại phản tác dụng.

Sai lầm của bố mẹ là nghĩ rằng so sánh để con lấy đó là tấm gương học theo bạn, tốt bằng bạn. Kỳ thực điều này chỉ phản ánh tâm lý tự ti hay chỉ để thỏa mãn cơn tức tối khi con không đạt được như kỳ vọng của cha mẹ.

“Phụ huynh chỉ nên so sánh con với chính con của thời gian trước, cho trẻ thấy sự tiến bộ của mình ở từng thời điểm, để thấy con đã cố gắng, nỗ lực thế nào. Điều này cũng nhằm khích lệ, tạo động lực cho trẻ. Còn việc so sánh với trẻ khác dù hơn hay kém đều làm cho con mình hoặc là tự phụ, hoặc tự ti. C

ác bậc cha mẹ phải biết chấp nhận bản thân con, yêu thương con vô điều kiện, tuyệt đối đừng để con nghĩ rằng bố mẹ thất vọng về mình. Trong trường hợp con học không giỏi, chậm phát triển, tự kỷ, rối loạn tâm thần… cha mẹ càng phải nỗ lực nhiều hơn. 

Mỗi người đều có thế mạnh riêng, hãy tôn trọng, khích lệ và cùng con phát triển sự khác biệt của mình trở thành thế mạnh khẳng định bản thân, không nên so sánh với người khác để con cảm thấy cha mẹ không hiểu và yêu thương mình”, TS Hương nhấn mạnh.

Chuyên gia giáo dục, PGS, TS Nguyễn Phương Hoa nhận định, khi bị so sánh, trẻ sẽ ức chế và tổn thương. Cha mẹ hãy nhấn vào điểm mạnh thay vì vạch ra điểm yếu của con. Nghiên cứu của các nhà khoa học và giáo dục học hiện đại cho thấy có 8 loại trí thông minh ở con người.

Một số người rất nhạy cảm với từ ngữ, có người nhạy cảm với phân biệt âm thanh hay các nốt nhạc cơ bản. Một số lại khéo léo trong nhảy múa, vận động, số khác rất hiệu quả khi làm việc với các chữ số. 

Chính những điều này tạo nên sự khác biệt. Mỗi người đều có ít nhất sự pha trộn độc đáo của hai hoặc nhiều hơn dạng trí thông minh. Nếu trẻ có một loại trí thông minh nào đó thì nuôi dưỡng và giúp con phát huy khả năng đó sẽ tốt hơn là so sánh. 

Muốn vậy, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu, đọc thêm sách về tâm lý lứa tuổi để có kiến thức và hiểu được tâm lý của con, từ đó chúng ta sẽ trao đổi thẳng thắn xem con mình có những khả năng gì.

“Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, cha mẹ cần làm tấm gương cho con cái. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ kỳ vọng con mình phải vào được trường tốt, phải đạt được điểm cao mà quên mất rằng, con cần nhất là hạnh phúc. Cha mẹ nên song hành, dõi theo con bằng tình yêu thương và sự tôn trọng”, PGS, TS Nguyễn Phương Hoa lưu ý.

Minh Anh

  Báo Lao động Xã hội số 57