Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học rất quan trọng, vì đây là độ tuổi các em đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin.

Có kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông an toàn, đúng cách sẽ giúp trẻ tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và các kỹ năng sáng tạo trong kỷ nguyên số.

chung6638_01_00_01_11_02_still003_10172314032023.jpg

Cần thực hiện một cách bài bản, khoa học và thực chất

Trong thời đại 4.0, học sinh tiếp xúc rất nhiều với công nghệ thông tin - truyền thông. Các em không chỉ khám phá và sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) mà còn học hỏi rất nhanh, rất nhạy bén khi ứng dụng CNTT vào đời sống. Ở lứa tuổi tiểu học, nếu không được định hướng, học sinh rất dễ vướng phải những rủi ro, nguy hiểm trực tuyến, những nội dung xấu độc từ người lạ.

Theo một khảo sát được thực hiện tại 2 trường tiểu học tại Hà Nội, trong số các học sinh lớp 4 và 5 tham gia có 6,5% em đã tiếp cận nội dung người lớn, 3,9% em gặp trường hợp bị người xấu lôi kéo, rủ rê trên mạng.

Cuộc khảo sát chỉ tại 2 trường học, nhưng có thể thấy nhiều em đang phải đối mặt nguy cơ trên mạng internet. Do đó, việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là hết sức cấp thiết, cần phải thực hiện một cách bài bản, khoa học và thực chất.

Nếu học sinh được giáo dục tốt, có kỹ năng sử dụng CNTT một cách an toàn thì CNTT - truyền thông sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong quá trình học tập, tìm kiếm tri thức, phát triển tư duy... Các em cần được học về cách sử dụng và giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của CNTT; cách ứng xử phù hợp trong môi trường số. 

Ngoài ra, các em cũng rất cần được hướng dẫn về việc ứng dụng CNTT trong học tập, nhất là trong quá trình tự học và sáng tạo để thực hiện những sản phẩm số.

Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học đã được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng trong các chính sách giáo dục. Ở Việt Nam, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tin học đã trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học, từ lớp 3, với thời lượng 1 tiết/tuần trong 35 tuần học/năm.

Các nội dung kỹ năng công dân số cũng được thể hiện phong phú, đa dạng hơn với 3 mạch kiến thức chủ đạo là Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin và truyền thông, Học vấn số hóa phổ thông.

Theo TS Kiều Phương Thùy (Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội), trong những năm gần đây, nhận thấy sự cần thiết của giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, các hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số đã được triển khai ngày càng sôi nổi, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như học về robot và STEM trong nhà trường, học lập trình tại các trung tâm, tổ chức và tham gia các cuộc thi sáng tạo về công nghệ...

cong dan so.jpg

Triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học

Trong năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học giai đoạn 1 tại 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và TP HCM. Lộ trình dự kiến là năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai thí điểm 10 tỉnh tiếp theo và năm học 2025-2026 triển khai diện rộng ở 63 tỉnh, thành phố.

Chương trình được tổ chức với mong muốn giúp học sinh được phát triển và ươm mầm đam mê khoa học, công nghệ, có cơ hội thể hiện sự sáng tạo với nhiều điều bất ngờ, thú vị.

Trong học kỳ 2 năm học 2023 - 2024, TP HCM đã triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh của 44 trường tiểu học. Từ năm học 2024-2025, Thành phố sẽ triển khai mở rộng đến 100% trường tiểu học trên địa bàn.

Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, nội dung giáo dục kỹ năng công dân số giúp hình thành và phát triển 5 thành phần năng lực tin học cho học sinh: Sử dụng và quản lý các phương tiện CNTT và truyền thông; ứng xử phù hợp trong môi trường số; giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của CNTT và truyền thông; ứng dụng CNTT và truyền thông trong học và tự học; hợp tác trong môi trường số thông qua các chủ đề nội dung.

Cô Lê Huỳnh Diễm Thúy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, Quận 8 (một trong 44 trường tham gia thí điểm ở TP HCM) cho biết: “Giáo dục kỹ năng công dân số là việc tích hợp, ứng dụng công nghệ số hay phần mềm, ứng dụng vào việc giảng dạy ở các môn học, do chính các thầy cô giáo trong trường giảng dạy.

Đây là một chương trình giáo dục rất hay. Nếu học sinh ở lứa tuổi tiểu học được giáo dục kỹ năng công dân số một cách bài bản sẽ giúp cho các em tránh được những nguy hiểm trong thế giới trực tuyến. Và học sinh không phải đóng tiền gì thêm khi tham gia giáo dục kỹ năng công dân số”.

Chuyển đổi số trong giáo dục đang mở ra nhiều triển vọng hấp dẫn. Các em học sinh sẽ được chuẩn bị tốt để trở thành công dân có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả khi tham gia không gian số - một kỹ năng bắt buộc phải có khi trưởng thành.

Để đạt được thành công trong quá trình này, cần có sự đồng lòng và phối hợp của toàn xã hội, bao gồm cả giáo viên, học sinh, gia đình, cộng đồng.

Hồng Nga

  Chuyên san Vì trẻ em số 8

Tin liên quan