Tuy nhiên, sự bao bọc quá mức từ gia đình khiến trẻ thiếu tự lập, ảnh hưởng đến khả năng đối mặt với thử thách trong tương lai. Việc trang bị KNS từ sớm sẽ giúp trẻ vững vàng và tự tin hơn trong cuộc sống.
Tác hại khi trẻ thiếu kỹ năng sống

Trong môi trường xã hội hiện đại, trẻ em được tiếp cận với nền tảng công nghệ số và nhiều luồng thông tin đa dạng. Tuy nhiên, thiếu KNS có thể khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch hoặc các xu hướng tiêu cực.
Việc thiếu KNS không chỉ cản trở trẻ trong việc thiết lập các mối quan hệ cá nhân và xã hội mà còn làm giảm khả năng giao tiếp, tính hợp tác và hạn chế sự phát triển bền vững. Trái lại, những trẻ được trang bị KNS từ sớm sẽ tự tin hơn trong việc đối mặt với khó khăn, đạt được các mục tiêu cá nhân và hòa nhập tốt với xã hội.
Hiện có rất nhiều khái niệm về KNS. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), KNS là khả năng thích nghi và hành vi tích cực giúp cá nhân giải quyết hiệu quả các nhu cầu và thách thức trong cuộc sống.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) định nghĩa KNS là tập hợp nhiều kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp hiệu quả và quản lý bản thân.
Như vậy, tuy định nghĩa có khác nhau, nhưng tất cả các khái niệm đều nhấn mạnh ở những kỹ năng thực hành giúp con người đối mặt với thách thức, thay đổi nhận thức và hành động theo hướng tích cực.
Theo WHO, những kỹ năng không thể thiếu gồm: Giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, giao tiếp, tư duy phản biện, quản lý thời gian và làm việc nhóm. Ngoài ra, những kỹ năng như đối mặt căng thẳng và chia sẻ cũng có vai trò quan trọng.

Hiện nay, trẻ em thiếu KNS đang là thực trạng phổ biến với những biểu hiện như: Ỷ lại, dựa dẫm do quen được cha mẹ bao bọc; không biết tự làm việc cơ bản; khó kiềm chế cảm xúc; ngại giao tiếp; sử dụng mạng xã hội không lành mạnh…
Điều này dẫn đến những tác hại lâu dài như: Khó ứng phó khó khăn, mất sự tự tin và dễ bị tụt hậu trong thời đại số.
Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu kỹ năng sống và các giải pháp
Việc nhận biết sớm những dấu hiệu thiếu KNS ở trẻ sẽ giúp phụ huynh và nhà trường có biện pháp can thiệp kịp thời. Một số dấu hiệu thường gặp gồm:
Trẻ luôn cần sự hỗ trợ từ cha mẹ: Không biết cách tự mình thực hiện các công việc hằng ngày hoặc xử lý các vấn đề nhỏ.
Hành vi cư xử thiếu văn hóa: Dễ nổi nóng, sử dụng ngôn từ không phù hợp và không biết kiểm soát cảm xúc.
Khả năng giao tiếp kém: Ngại ngùng, không dám trình bày ý kiến hoặc không biết cách hòa nhập với tập thể.
Phụ thuộc vào thiết bị điện tử: Sử dụng thiết bị điện tử một cách thụ động, thiếu sáng tạo hoặc không có sự giám sát hợp lý từ người lớn.
TS Ngô Xuân Điệp - Trưởng khoa tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: “Trẻ thiếu kỹ năng hiện nay phần lớn do cha mẹ bao bọc quá mức. Điều này khiến trẻ không được rèn luyện để tự đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống”.
TS Ngô Xuân Điệp khuyến nghị các bậc phụ huynh nên: Cho phép trẻ trải nghiệm thất bại để học cách vượt qua; tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động thực tiễn như đi chợ, nấu ăn, hoặc làm việc nhóm; tránh áp đặt và để trẻ tự do lựa chọn sở thích cá nhân, qua đó phát triển khả năng ra quyết định.
Để cải thiện thực trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, trong đó mỗi bên đóng vai trò riêng biệt nhưng không thể thiếu trong việc trang bị KNS cho trẻ.
Giải pháp từ gia đình: Cha mẹ nên khuyến khích sự tự lập bằng cách giao cho trẻ những công việc phù hợp với độ tuổi, từ việc tự dọn phòng đến chuẩn bị đồ dùng học tập… giúp trẻ tự chịu trách nhiệm với bản thân. Bên cạnh đó là giới hạn sử dụng thiết bị điện tử.

Tăng cường các hoạt động như đọc sách, chơi thể thao, hoặc tham gia câu lạc bộ kỹ năng. Cha mẹ khích lệ trẻ tham gia hoạt động xã hội, khuyến khích con tham gia các chương trình cộng đồng, qua đó rèn luyện giao tiếp và làm việc nhóm.
Về phía nhà trường: Các trường học cần tích hợp KNS vào giảng dạy như lồng ghép bài học về tư duy phản biện, giao tiếp và sử dụng mạng xã hội an toàn. Bên cạnh đó, nhà trường tạo môi trường trải nghiệm thực tế như tổ chức hoạt động ngoại khóa và các buổi thực hành để trẻ áp dụng kỹ năng học được vào cuộc sống.
Trong các trường học cần tăng cường ứng dụng công nghệ, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn, cách bảo vệ thông tin cá nhân và phân biệt thông tin thật - giả trên mạng. Để giúp học sinh phát triển tư duy và tăng tính thực hành, các trường học giới thiệu các ứng dụng học tập và các khóa học trực tuyến.
Việc rèn luyện KNS cho trẻ em cần được bắt đầu từ sớm, với sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chỉ khi trẻ được trang bị đầy đủ kỹ năng, các em mới có thể tự tin đối mặt với mọi thử thách và phát triển toàn diện.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 1