Cha dành thời gian và tình yêu thương cho con không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn góp phần tạo nên những cá nhân tự tin, có ích cho xã hội.
1.000 ngày đầu đời, trẻ rất cần sự hiện diện của người cha
1.000 ngày đầu đời được cho là “thời điểm vàng” trong phát triển trí não của một đứa trẻ. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), sự hiện diện tích cực của người cha trong 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển trí não, cải thiện khả năng học tập và giảm các vấn đề về hành vi.
Khi người cha gắn bó và chăm sóc con, trẻ thường có sức khỏe tâm lý tốt hơn, lòng tự trọng cao hơn và cảm giác hạnh phúc nhiều hơn trong cuộc sống sau này.
Ngày 17/6/2018, UNICEF đã ra mắt trang web hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ. Đây là một phần của chiến dịch “Super Dads - Cha tuyệt vời” UNICEF thực hiện để công nhận vai trò quan trọng của người cha trong phát triển sớm của trẻ em.
Tham gia chiến dịch “Super Dads” tại Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, Đại sứ Thiện chí UNICEF Việt Nam phát biểu: “Các ông bố hãy dành nhiều thời gian cho con, chơi với con, đùa nghịch với con, đọc truyện cho con, nói chuyện và cùng con làm những việc đơn giản. Ngoài việc gắn kết tình cảm cha con, còn giúp con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Những tiến bộ trong khoa học thần kinh đã chứng minh rằng, khi trẻ em trải qua những năm đầu đời - đặc biệt là 1.000 ngày đầu tiên - trong môi trường nuôi dưỡng và kích thích, bộ não của trẻ có thể phát triển với tốc độ tối ưu.
Những kết nối thần kinh này quyết định khả năng nhận thức, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ; quyết định trẻ sẽ học tập và suy nghĩ như thế nào, khả năng đối phó với sức ép ra sao, cũng như khả năng hình thành các mối quan hệ của trẻ. Dinh dưỡng tốt, được bảo vệ, vui chơi và tình yêu thương thời thơ ấu sẽ kích thích sự kết nối thần kinh trong não của trẻ.
Tác động đến sự phát triển cảm xúc và tâm lý của trẻ
Những trẻ em có mối quan hệ tích cực với cha thường tự tin và có cảm giác an toàn trong các mối quan hệ xã hội. Một người cha tham gia tích cực trong việc nuôi dạy con có thể giúp trẻ giảm nguy cơ trầm cảm, lo âu hoặc các rối loạn hành vi. Người cha cũng có thể giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt hơn thông qua việc khuyến khích trẻ đối mặt với các thử thách trong cuộc sống.
Tác động đến thành tích học tập
Khi người cha tham gia vào các hoạt động học tập (như đọc sách hoặc hướng dẫn bài tập), trẻ thường đạt được thành tích cao hơn ở trường. Bằng cách đặt câu hỏi, gợi ý các giải pháp và khuyến khích sự tò mò, cha giúp con mình phát triển tư duy phản biện và sáng tạo.
Đặc biệt, những giá trị mà cha thể hiện qua hành vi, lời nói trở thành hình mẫu để trẻ học cách ứng xử trong xã hội. Trẻ thường học cách cư xử thông qua quan sát cha mình, từ đó hình thành các kỹ năng xã hội, khả năng tự lập và tinh thần trách nhiệm.
Người cha có xu hướng khuyến khích trẻ tự lập, thử sức với những điều mới, qua đó giúp trẻ phát triển khả năng ra quyết định và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi trẻ em có sự hiện diện tích cực của cha ít có khả năng dính líu đến các hành vi tiêu cực như bạo lực, vi phạm pháp luật...
Vai trò trong phát triển giới tính và quan hệ cá nhân của trẻ
Người cha không chỉ giúp trẻ nhận thức rõ về vai trò giới mà còn định hình cách trẻ ứng xử trong các mối quan hệ xã hội.
Đối với trẻ em gái, cha là hình mẫu đầu tiên về cách đàn ông nên đối xử với phụ nữ, ảnh hưởng đến cách trẻ thiết lập các mối quan hệ trong tương lai. Sự hỗ trợ của cha giúp trẻ em gái phát triển sự tự tin trong xã hội và sự nghiệp.
Đối với trẻ em trai, cha đóng vai trò như một hình mẫu về cách làm đàn ông, giúp trẻ học cách ứng xử, chịu trách nhiệm và xây dựng nhân cách tích cực.
Sự đồng hành của cha không chỉ tạo dựng mối quan hệ gia đình bền chặt mà còn trang bị cho trẻ các kỹ năng để hình thành những mối quan hệ cá nhân lành mạnh trong tương lai.
Các yếu tố làm tăng hiệu quả vai trò của người cha
Một số ông bố thường lầm tưởng rằng chỉ cần đảm bảo tài chính là đã hoàn thành vai trò làm cha. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự hiện diện tích cực của người cha trong các hoạt động hằng ngày mới là yếu tố quan trọng nhất. Các ông bố cần tạo ra môi trường gia đình an toàn và hỗ trợ để trẻ cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Sự phối hợp tốt giữa cha và mẹ giúp cung cấp cho trẻ một môi trường nuôi dạy hài hòa và cân bằng.
Người cha không chỉ là trụ cột tài chính mà còn là người đồng hành quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Việc người cha dành thời gian và xây dựng mối quan hệ gần gũi với con không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn góp phần tạo nên một xã hội vững mạnh và hạnh phúc hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy, trẻ được nuôi dạy bởi người cha có mối quan hệ gắn bó thường phát triển kỹ năng tự điều chỉnh cảm xúc tốt hơn và có xu hướng trở thành người tự tin hơn trong giao tiếp xã hội. Tại Việt Nam, các chương trình giáo dục gia đình cũng luôn nhấn mạnh vai trò của người cha trong việc hình thành nhân cách qua việc làm gương, chia sẻ và hỗ trợ. |
Bình Yên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 22