Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gieo yêu thương cho hạnh phúc nảy mầm

LĐXH
LĐXH

Trải qua 9 năm, “Cặp lá yêu thương” là hành trình hiện thực hóa ước mơ của những em nhỏ “lá chưa lành” đầy nghị lực và kiên cường tại 63 tỉnh, thành phố.

27.000 “lá lành” trao yêu thương  

“Cặp lá yêu thương” là chương trình thiện nguyện do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (Đài Truyền hình Việt Nam) phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm (lá lành) hỗ trợ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn (lá chưa lành). Thông điệp của chương trình là “Trao cơ hội đi học - Cho cơ hội đổi đời”.

Gieo yêu thương cho hạnh phúc nảy mầm - 1
Em Trương Ngọc Hiếu (thứ hai từ trái sang) đã trưởng thành sau 8 năm được “Cặp lá yêu thương” hỗ trợ.

Chương trình chính thức ra mắt vào ngày 4/10/2015 và được thực hiện lần lượt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Ở mỗi tỉnh, thành, Ban tổ chức tìm ra một nhân vật hay đại diện một gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Thông qua chương trình, mỗi hoàn cảnh được kêu gọi để các nhà hảo tâm hỗ trợ với số tiền tối thiểu là 200.000 đồng/tháng. Mỗi “lá chưa lành” được hỗ trợ tối đa từ 3 “lá lành”.

Chỉ tính trong năm 2023, tổng số tiền ủng hộ chuyển vào tài khoản “Cặp lá yêu thương” đạt gần 25 tỷ đồng, đã thực hiện chuyển 13 tỷ đồng cho các “lá chưa lành”; qua đó đã nâng tổng số tiền ủng hộ “Cặp lá yêu thương” trong gần 9 năm qua lên trên 110 tỷ đồng, được ủng hộ bởi hơn 27.000 “lá lành” cho 5.238 em nhỏ khắp cả nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc làm thế nào xác định được “lá chưa lành” để kịp thời hỗ trợ, biên tập viên Trần Hướng, người trực tiếp tham gia sản xuất chương trình “Cặp lá yêu thương” cho biết: Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số sẽ tiếp nhận thông tin “lá chưa lành” từ các Sở LĐ-TB&XH.

Mỗi hoàn cảnh sẽ được sàng lọc qua các cán bộ LĐ-TB&XH tại các địa phương (cấp xã, huyện, tỉnh), sau đó gửi danh sách tới những người thực hiện chương trình “Cặp lá yêu thương”. Phóng viên sẽ lựa chọn nhân vật phù hợp với tiêu chí của chương trình, đến tận nơi để khảo sát, kiểm định lại và ghi hình nhân vật.

Những nhân vật phù hợp sẽ được đưa vào quỹ của “Cặp lá yêu thương”, kêu gọi các “lá lành” hỗ trợ; những nhân vật không phù hợp, phóng viên sẽ đề xuất với Sở LĐ-TB&XH hay cán bộ địa phương thay thế bằng các nhân vật khác phù hợp hơn.

Còn những chiếc “lá lành” của “Cặp lá yêu thương” thì có thể là bất kỳ ai. Họ là những khán giả lớn tuổi chỉ xem phóng sự trên tivi nhưng cũng muốn đến tận nơi để động viên, chia sẻ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Họ cũng có thể là những em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường góp tiền tiết kiệm để chung tay hỗ trợ các bạn đồng trang lứa…

Không phân biệt tuổi tác, địa vị, ai cũng có thể trở thành một “lá lành” trên hành trình của “Cặp lá yêu thương” bằng cách đồng hành cùng các em nhỏ hàng tháng.

Gieo yêu thương cho hạnh phúc nảy mầm - 2
MC Hạnh Phúc trò chuyện cùng gia đình em Trần Minh Phương ở Thái Bình.

Hiện thực hoá ước mơ  

Trẻ em ai chẳng có ước mơ. Ước mơ của các em “lá chưa lành” rất đa dạng. Có em mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố mẹ và mọi người, có em lại ước trở thành nữ phóng viên, có em lại chỉ mong sao bà ngoại hết bệnh, và có em ước mơ vô cùng đơn giản “Con ao ước có một bộ váy đầm công chúa Elsa.

Con tưởng tượng con mặc chiếc váy đấy sẽ giống công chúa”. Đó là ước mơ của cô bé 8 tuổi Nguyễn Thị Yến Nhi ở Phú Yên. Ba mất sớm, Yến Nhi ở cùng anh trai và mẹ.

Vì khó khăn, anh trai Yến Nhi đã phải nghỉ học đi làm thêm. Yến Nhi đi học trên chiếc xe đạp cũ 10 năm trước của anh trai. “Chiếc xe đạp của con rất là cũ, không đẹp bằng xe của các bạn khác nhưng mà con thích. Có xe là được rồi”, Yến Nhi chia sẻ.

Suốt 9 năm qua, “Cặp lá yêu thương” đã hỗ trợ cho hàng ngàn em nhỏ thực hiện ước mơ của mình.

Em Trương Ngọc Hiếu - “lá chưa lành” được chương trình hỗ trợ từ năm 2016, nay đã trở thành sinh viên của Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn dân ca quan họ. Những câu hát quan họ của Ngọc Hiếu khi vang lên trên trường quay Gala “Cặp lá yêu thương 2024” khiến người xem ai cũng xúc động và cảm phục.

“Cặp lá yêu thương” xuất hiện khi em khó khăn nhất” là chia sẻ của em Nguyễn Tường Huy ở Chương Mỹ, Hà Nội. Em vừa đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Giao thông vận tải, 3 năm nay, từ khi nhập học, em được xã gọi lên để nhận tiền hỗ trợ của chương trình.

Nhờ số tiền đó, em đã có tiền để đóng học, tiếp tục theo đuổi ước mơ con chữ. Đó cũng là kết quả chung của nhiều em nhỏ khác trên khắp dọc dài đất nước khi được “Cặp lá yêu thương” chắp cánh ước mơ.

 

Thanh Huyền