Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Trẻ dưới 4 tuổi có tới 9 cơn giận dữ mỗi tuần, cách xử lý tình trạng này

Trần Huyền
Trần Huyền

Trẻ em dưới 4 tuổi thường có tới 9 cơn giận dữ mỗi tuần. Mặc dù đôi khi bạn bị sốc khi thấy con trở nên tức giận như vậy, nhưng điều đó phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Khi nào cơn giận dữ của trẻ được xem là điều đáng lo ngại?

Một cơn giận dữ là cách con bạn thể hiện sự thất vọng của mình với những giới hạn hoặc tức giận vì không đạt được điều mình muốn. Trong cơn giận dữ, trẻ có thể cãi vã và không muốn làm theo những gì người lớn yêu cầu.

Những cơn giận dữ bùng nổ là cách chúng thể hiện sự thất vọng mà chúng đang gặp phải do sự phát triển nhanh chóng của cơ thể. Chúng muốn tự làm mọi việc nhưng không có kỹ năng và khả năng để làm. 

Tuy nhiên, rất may, cơn giận dữ của trẻ sẽ bắt đầu giảm dần khi chúng phát triển các kỹ năng giao tiếp để thể hiện bản thân tốt hơn. 

Trẻ dưới 4 tuổi có tới 9 cơn giận dữ mỗi tuần, cách xử lý tình trạng này - 1
Trẻ dưới 4 tuổi có tới chín cơn giận dữ mỗi tuần (Ảnh: CV).

Hầu hết trẻ em thỉnh thoảng sẽ cãi nhau hoặc bướng bỉnh, nhưng khi sự tức giận và thù địch xảy ra thường xuyên, dẫn đến các vấn đề khác với bạn bè ở trường hoặc ở nhà thì có thể có lý do đáng lo ngại.

Một cơn giận dữ điển hình có thể xảy ra khi trẻ nhỏ mệt mỏi hoặc thất vọng, hoặc trong các hoạt động hàng ngày như đi ngủ, ăn uống hoặc mặc quần áo.

Điều không bình thường là khi cơn bùng nổ đến đột ngột hoặc dữ dội đến mức trẻ kiệt sức. Khi nó trở nên thường xuyên, đó sẽ là một dấu hiệu cảnh báo.

Sau đây là một số điều có thể gây lo ngại: Tức giận hoặc không tử tế với mọi người, đồ vật hoặc cả hai. Trẻ có thể muốn đánh hoặc đá người chăm sóc vì bực bội; Con bạn cố gắng tự làm mình bị thương. 

Hoặc chúng có thể cố gắng làm điều gì đó như: Cắn chính mình; Tự cào xước mình; Đập đầu vào tường…

Lúc này, hãy đưa chúng ra khỏi môi trường xung quanh hoặc hứa với chúng điều gì đó để giúp con bạn bình tĩnh lại và ngừng cơn giận dữ.

Từ 1 đến 4 tuổi, con bạn có thể trung bình nổi cơn giận dữ một lần một ngày. Nếu chúng xảy ra thường xuyên hơn, điều đó có thể đáng lo ngại. Nếu cơn giận dữ kéo dài hơn 15 phút, điều đó có thể báo hiệu một vấn đề khác.

Nguyên nhân điển hình gây ra cơn giận dữ ở trẻ

Trẻ giận giữ có thể do một số nguyên nhân như: Không thể hoàn thành một nhiệm vụ; Không có từ ngữ để diễn tả cảm xúc của mình; Bị bệnh; Mệt mỏi, đói hoặc thất vọng; Muốn được chú ý…

Trẻ em cũng có thể thường xuyên nổi giận vì: Rối loạn tăng động giảm chú ý; Sự lo lắng; Gặp vấn đề trong học tập; Các vấn đề về xử lý cảm giác; Tự kỷ…

Nếu bạn lo lắng về hành vi của con mình, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa. Họ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học nếu cần. Điều trị sớm có thể giúp ích và có thể tập trung vào các mục tiêu như dạy con bạn cách đối phó với sự tức giận và thất vọng.

Làm sao để ngăn ngừa cơn giận dữ ở trẻ?

Trẻ em cần những mối quan hệ tích cực để cảm thấy được kết nối và học cách kiểm soát hành vi của mình. Khi bạn phải đối diện với một đứa trẻ đang tức giận có thể khó giữ được bình tĩnh. 

Trẻ em có hành vi thách thức sẽ khiến người chăm sóc thất vọng, tức giận với chúng, điều này khiến chúng càng tức giận hơn. 

Miễn là chúng không có hành vi phá hoại, hãy cố gắng tập trung vào những điều tích cực để giúp trẻ vượt qua cơn giận giữ. 

Có thể bạn không ngăn chặn được mọi cơn giận dữ của trẻ, nhưng nếu áp dụng một số mẹo sau có thể giúp làm giảm hành vi này của trẻ:

Tuân thủ các thói quen bao gồm thời gian nhất quán cho các bữa ăn, giấc ngủ trưa và giờ đi ngủ;

Bất cứ khi nào có thể, hãy để con bạn đưa ra quyết định. Trẻ em sẽ cảm thấy kiểm soát được nhiều hơn nếu chúng có thể quyết định chơi đồ chơi nào hoặc mặc trang phục nào; 

Tránh các tình huống có khả năng khiến con bạn nổi cơn thịnh nộ. Đừng đưa cho con bạn những món đồ chơi khiến chúng bực bội;

Khi nhận thấy con bạn cư xử tốt, hãy chỉ ra và khen ngợi con. Giúp con đặt ra mục tiêu hành vi phù hợp và thưởng cho con khi đạt được mục tiêu đó. 

Khi trẻ đang nổi cơn thịnh nộ, trẻ sẽ cần bạn giúp để bình tĩnh lại. Vì vậy việc la hét hoặc phản ứng tức giận với con sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. 

Hãy thử đánh lạc hướng bằng cách đưa cho con bạn một món đồ chơi hoặc một cuốn sách. Nếu con bạn đánh, đá hoặc cố chạy trốn, hãy giữ chúng lại cho đến khi chúng bình tĩnh. Khi con bạn bình tĩnh lại, hãy nói chuyện về các quy tắc với con. 

Khi nào cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ nhi khoa?

Ngoài các giai đoạn phát triển bình thường, có những vấn đề y khoa có thể gây ra cơn giận dữ ở trẻ em. Một số trong số đó bao gồm: Sự thất vọng ở trẻ em mắc các bệnh về nhận thức hoặc giao tiếp như tự kỷ; Bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt; Rối loạn tâm trạng như rối loạn lưỡng cực; Tính bốc đồng, thường xảy ra với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý; Chấn thương do hoàn cảnh bên ngoài gây ra; Tổn thương thùy trán có thể xảy ra do chấn thương hoặc động kinh.

Nếu cơn giận của con dường như không liên quan đến giai đoạn phát triển và kéo dài hơn vài tuần, bạn nên trao đổi với bác sĩ nhi khoa. Bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn cảm thấy mình không thể tự mình xử lý cơn giận của con. 

Một số dấu hiệu khác cho thấy con bạn có thể cần được giúp đỡ bao gồm: Gây thương tích cho bản thân hoặc người khác; Tấn công bạn hoặc người lớn khác; Bị đuổi về nhà từ trường; Quan tâm đến sự an toàn của những người xung quanh con bạn.

Dấu hiệu cảnh báo lớn nhất là tần suất xảy ra các cơn bộc phát. Trẻ em có các vấn đề rối loạn hành vi có thể không bộc phát trong nhiều ngày hoặc một tuần. Nhưng hiếm khi trẻ có thể không gặp vấn đề gì trong một tháng.

Các phương pháp điều trị có thể giúp khen thưởng hành vi tốt và ngăn chặn hành vi xấu ở trẻ em có vấn đề về sức khỏe.