Theo Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội), trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội.
Số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn.

Theo số liệu thống kê của Công an TP Hà Nội, trong 6 năm (2018 - 2023) đã phát hiện 858 vụ với 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, chiếm 3,4% tổng số vụ phạm pháp hình sự. Tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên tăng cả về số vụ và số đối tượng.
Đáng chú ý, thời gian gần đây tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm (gồm cả học sinh) thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích... thậm chí mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn, có nguy cơ gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, gây tâm lý bất an cho người dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp đẩy mạnh thực hiện, xây dựng, nhân rộng các phong trào, mô hình phòng, chống tội phạm như: "Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo"; "Thôn tự quản chống lây lan ma túy"; "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ"; "Mái trường thân thiện, không có ma túy"; "Tổ phụ nữ phòng, chống tệ nạn xã hội"... qua đó góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố.
Công an các địa phương đã phối hợp với ngành giáo dục, các trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nhất là các văn bản có liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự đến cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đặc biệt, công an thành phố triển khai 8 mô hình về quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật: Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ với mô hình “Phát động toàn dân tham gia giúp đỡ, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng";
Phường Quang Trung, quận Hà Đông với mô hình “An ninh học đường"; xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai với mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật"; thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức với mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên có nguy cơ vi phạm pháp luật"…
Để chủ động phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm trẻ vị thành niên, Ban Pháp chế đề nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo chuyên đề cho cán bộ, nhân dân với hình thức tuyên truyền phù hợp, thiết thực...
Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý xã hội, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ; tăng cường quản lý trên không gian mạng; quản lý, kiểm soát chặt chẽ luồng văn hóa phẩm, sách báo, băng hình có nội dung không lành mạnh;
Kiểm soát tiến tới nghiêm cấm hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, hình thành nhân cách của trẻ tại các khu vực gần trường học, khu vui chơi giải trí của trẻ em.
Các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong các nhà trường; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 102