Khan hiếm nước tác động sức khỏe hàng trăm triệu trẻ em ở khu vực
Thống kê mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, có đến 55% trẻ em ở Nam Á bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước (tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới).
Tình trạng khan hiếm nước đã tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của hàng trăm triệu trẻ em ở khu vực này.

Trên thực tế, 8 quốc gia Nam Á (Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka) là nơi sinh sống của hơn 1/4 trẻ em toàn thế giới đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu như lũ lụt và hạn hán, từ đó dẫn tới thiếu nguồn nước sạch.
Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á, ông Sanjay Wijesekera cho biết, biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn các loại hình thời tiết dẫn đến việc khó dự đoán về nguồn nước.
Biến đổi khí hậu đang khiến hàng triệu trẻ em sinh sống tại các vùng ngập lụt, hạn hán thường phải đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác ở Nam Á, thậm chí không có đủ nước uống.
Trong năm 2023, đã có tới 45 triệu trẻ em ở Nam Á không được tiếp cận các dịch vụ nước uống cơ bản, cao hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Cũng theo UNICEF, sau Nam Á, Đông và Nam Phi sẽ là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 130 triệu trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng.
Theo thống kê có khoảng 739 triệu trẻ em trên toàn thế giới, đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm nước cao hoặc rất cao.

Thiếu nước sạch - mối đe dọa lớn với trẻ em
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất lượng nước ở khu vực Nam và Đông Á ngày càng trở thành mối đe dọa lớn đối với trẻ em. Tình trạng nhiễm asen và flo trong nước ngầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 50 triệu người dân trong khu vực.
Trong đó, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do chưa biết cách bảo vệ bản thân, chưa được trang bị kiến thức sử dụng nước sạch và do hệ miễn dịch yếu.
Mặc dù chiếm 10% dân số thế giới nhưng trẻ em lại chiếm đến 40% các ca bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như: tiêu chảy, mất nước, bệnh hen suyễn, dị ứng và nhiễm độc chì. Trong đó, tiêu chảy dẫn đầu nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
WHO ước tính, trên toàn thế giới mỗi ngày có khoảng 700 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh tiêu chảy.
Bên cạnh những giải pháp như cử nhân viên y tế, hỗ trợ thuốc, vật tư… đến những khu vực trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do nguồn nước, WHO cũng đưa ra một số khuyến cáo nhằm nâng cao nhận thức của người dân, trẻ em về tầm quan trọng của nước sạch.
Cũng theo WHO, việc tiếp cận nước sạch và các giải pháp vệ sinh tốt là không thể thiếu đối với sức khỏe, sự phát triển và sự thịnh vượng trong tương lai của mọi trẻ em, không chỉ ở hiện tại mà còn đặt nền tảng cho một thế giới lành mạnh, thịnh vượng hơn cho các thế hệ sau.
Trước những biến động, xung đột đang xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước sạch, UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế thực hiện các bước quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ em được cung cấp và sử dụng nước sạch trong các cuộc khủng hoảng và di cư.
Theo đó, cần nâng cao vai trò của trẻ em trong các giải pháp biến đổi khí hậu. Đưa trẻ em vào các dịch vụ thiết yếu có khả năng chống chịu khí hậu trong quyết định cuối cùng về mục tiêu toàn cầu về thích ứng.
Đảm bảo Quỹ Tổn thất và Thiệt hại và các thỏa thuận tài trợ phù hợp với các quyền trẻ em được lồng ghép trong quá trình quản lý và ra quyết định của Quỹ...
Ngoài ra, UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức, định chế tài chính cần chung tay hành động để bảo vệ cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em.
Bao gồm cả việc điều chỉnh các dịch vụ xã hội thiết yếu, trao quyền cho mọi trẻ em và thực hiện các thỏa thuận quốc tế về bền vững và biến đổi khí hậu bao gồm cả việc giảm nhanh chóng lượng khí thải.
Quang Hưng
.