Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Liên hợp quốc thông qua thỏa thuận đột phá vì tương lai thế giới

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Các thành viên Liên hợp quốc đã thông qua một thỏa thuận được mô tả là đột phá, mang tính bước ngoặt để giúp thế giới có thể giải quyết các mối đe dọa và thách thức.

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 22/9 đã phê duyệt một thỏa thuận nhằm kéo các quốc gia tới gần nhau hơn để giải quyết những thách thức của thế kỷ 21 từ biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo đến các cuộc xung đột leo thang và bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng.

Bản "Hiệp ước vì tương lai" dài 42 trang kêu gọi các nhà lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc biến những lời hứa thành hành động thực sự để tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của hơn 8 tỷ người trên thế giới.

Liên hợp quốc thông qua thỏa thuận đột phá vì tương lai thế giới - 1
 Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP

Hiệp ước đã được thông qua tại lễ khai mạc "Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai" kéo dài 2 ngày do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres triệu tập. Ông đã cảm ơn các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao đã thực hiện những bước đi đầu tiên và mở ra "cánh cửa" dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn.

"Chúng ta ở đây để đưa chủ nghĩa đa phương trở lại từ bờ vực. Bây giờ, vận mệnh chung của chúng ta là cùng nhau bước qua nó. Điều đó không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận mà còn là hành động", ông kêu gọi và nhấn mạnh các thỏa thuận mang tính đột phá và bước ngoặt. 

Đây là sự kiện mở màn cho tuần lễ cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, bắt đầu từ ngày 24/9.

Các nhà lãnh đạo cam kết củng cố hệ thống đa phương để "bắt kịp với một thế giới đang thay đổi" và "bảo vệ nhu cầu và lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai" đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng dai dẳng". "Chúng tôi tin rằng có một con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại", văn bản nêu rõ. Hiệp ước liệt kê 56 hành động, bao gồm các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và gìn giữ hòa bình.

Tổng thư ký kêu gọi các nhà lãnh đạo ưu tiên đối thoại và đàm phán, chấm dứt “các cuộc chiến tranh xé nát thế giới của chúng ta” từ Trung Đông đến Ukraine và Sudan, cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thỏa thuận cũng kêu gọi đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính quốc tế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, lắng nghe những người trẻ tuổi và đưa họ vào quá trình ra quyết định, cùng với những nỗ lực mới nhằm chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ quân bị và định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo.

Hiệp ước cho Tương lai cho biết các nhà lãnh đạo thế giới đang tụ họp “vào thời điểm toàn thế giới đang có sự chuyển đổi sâu sắc” và cảnh báo về “những rủi ro thảm khốc đang gia tăng” có thể đẩy mọi người ở khắp mọi nơi “vào một tương lai khủng hoảng và sụp đổ dai dẳng”.

Tổng thư ký Guterres đã nêu một số điều khoản chính trong Hiệp ước Tương lai và hai phụ lục đi kèm, Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu và Tuyên bố về Thế hệ Tương lai. Hiệp ước cam kết các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cải tổ Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, để phản ánh tốt hơn thế giới ngày nay và "khắc phục bất công lịch sử đối với châu Phi", nơi không có ghế ủy viên thường trực và giải quyết tình trạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh không được đại diện tại cơ quan quyền lực hàng đầu Liên hợp quốc.

Ông Guterres cho biết, nó cũng "đại diện cho sự ủng hộ đa phương đầu tiên được thống nhất đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong hơn một thập kỷ" và cam kết "thực hiện các bước để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian và quản lý việc sử dụng vũ khí tự động gây chết người".

Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu “bao gồm thỏa thuận thực sự phổ quát đầu tiên về quản trị quốc tế đối với trí tuệ nhân tạo”, người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết. Hiệp ước cam kết các nhà lãnh đạo sẽ thành lập một Ban Khoa học Quốc tế độc lập tại Liên hợp quốc để thúc đẩy sự hiểu biết khoa học về trí tuệ nhân tạo, cũng như các rủi ro và cơ hội của trí tuệ nhân tạo. Hiệp ước cũng cam kết Liên hợp quốc sẽ khởi xướng một cuộc đối thoại toàn cầu về quản trị trí tuệ nhân tạo với tất cả các bên liên quan.

Thỏa thuận cũng bao gồm các biện pháp "để đưa ra phản ứng ngay lập tức và phối hợp đối với các cú sốc phức tạp" bao gồm cả đại dịch, ông Guterres cho biết.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng nếu các quốc gia không đoàn kết và thực hiện hơn 50 hành động của hiệp ước, “sẽ không chỉ có lịch sử phán xét chúng ta mà còn những người trẻ tuổi trên khắp thế giới cũng sẽ có hành động tương tự”.

“Hiệp ước này mang lại cho chúng ta hy vọng và nguồn cảm hứng cho một tương lai tốt đẹp hơn", Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio cho biết.

Đức Hoàng (theo AFP, SCMP)

Báo Lao động và Xã hội số 116

Tin liên quan
Người đưa mo cau ra thế giới

Người đưa mo cau ra thế giới

(LĐXH) - Mo cau trước đây là vật bỏ đi, nhưng dưới bàn tay của anh Nguyễn Văn Tuyến ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) lại thành những sản phẩm trên bàn...