Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Lan tỏa tình yêu Tổ quốc qua “Tiết học biên giới”

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Từ nhiều năm nay, “Tiết học biên giới” hướng đến học sinh các bậc học ở khu vực biên giới được bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện. Qua tiết học đặc biệt này, những kiến thức cơ bản về chủ quyền, an ninh biên giới, lãnh thổ được truyền đạt đến học sinh một cách sinh động, hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, biên giới cho thế hệ trẻ.

Đưa kiến thức về chủ quyền biên giới đến học sinh

tiet hoc bien cuong tai Don BP Ten Tan copy.jpg
“Tiết học biên cương” do thầy giáo tại Đồn biên phòng cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa) thực hiện.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, việc giáo dục về ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho thế hệ trẻ là vấn đề cấp thiết và lâu dài. Trong các tiết học ngoại khóa “Tiết học biên giới”, bằng phương pháp thuyết trình kết hợp với vận dụng hình ảnh minh họa, những “thầy giáo quân hàm xanh” đã truyền đạt đến các em học sinh kiến thức về Ngày truyền thống của Bộ đội biên phòng (BĐBP); quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân vùng biên giới; các kỹ năng nhận biết vùng cấm; dấu hiệu nhận biết đường biên, cột mốc biên giới; những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia... 

Đưa học sinh tới cột mốc để giới thiệu về biên giới quốc gia là cách nhiều đồn biên phòng trên cả nước triển khai “Tiết học biên giới”. Với nhiều tên gọi khác nhau như: “Biên giới với học đường” (BĐBP Lạng Sơn), “Tiết học biên giới” (BĐBP Quảng Trị, BĐBP Đắk Lắk, BĐBP Sơn La), “Tiết học vùng biên” (BĐBP Kon Tum, BĐBP Đắk Nông), “Tiết học biên cương” (BĐBP Quảng Bình, BĐBP Thanh Hóa), “Tiết học tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo” (BĐBP Ninh Bình), “Biên cương Tổ quốc” (BĐBP Bình Phước)..., mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật này được các đơn vị BĐBP tổ chức theo quý, luân phiên giữa các lớp học và bậc học.

Phụ trách mô hình “Tiết học biên giới” là chi đoàn Biên phòng phối hợp với các trường học tổ chức, đưa nội dung phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về biên giới và công tác biên phòng cho học sinh ở cả ba cấp học. Mục tiêu của mô hình không chỉ dừng lại ở việc cung cấp, phổ biến kiến thức pháp luật về biên giới, mà sau khi tham gia lớp học, mỗi thầy cô, mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực.

Xuất phát từ thực tế các em học sinh còn thiếu những kiến thức cơ bản liên quan đến đường biên, cột mốc, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với các trường học trên địa bàn triển khai hoạt động ngoại khóa “Tiết học biên giới”. Mỗi tiết học với thời lượng 45 phút do cán bộ Đồn Biên phòng giảng dạy, các em được giới thiệu trực tiếp ngay tại cột mốc chủ quyền, cửa khẩu biên giới. Thông qua cách làm sáng tạo này, những người lính Biên phòng đã tuyên truyền cho học sinh những kiến thức cơ bản về biên giới, lãnh thổ; phổ biến các tác hại của ma túy trong học đường và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới... Qua đó, giúp các em hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên, các quy định của pháp luật khi ra vào khu vực biên giới...

Đứng bên cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, em Hồ Mai Hoa, học sinh Trường Tiểu học và THCS A Ngo (huyện Đa Krông, Quảng Trị) chia sẻ: “Chúng em được các chú BĐBP giảng dạy về cách nhận biết đường biên giới; thực hiện nghi lễ chào cờ cột mốc, trực tiếp tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu; tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới. Ngoài ra, chúng em còn được tham quan doanh trại, nơi ở và làm việc của các chú BĐBP. Qua tiết học ý nghĩa này, chúng em hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia, từ đó ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc”.

Cùng hòa mình với niềm hứng khởi của các em học sinh, cô Trần Thị Nghĩa, giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Ngo cho biết: “Tiết học ngoại khóa bổ ích này không chỉ nâng cao hiểu biết, củng cố thêm tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, mà còn giúp giáo viên hiểu thêm về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, cũng như những vất vả của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Từ đó, chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh biên giới”.

Mỗi học sinh  là một tuyên truyền viên tích cực

Don BP Huoi Luong copy.jpg
Các em học sinh được trang bị thêm kiến thức về chủ quyền biên giới tại những tiết học ngoại khóa.

Ngoài tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, nhiều trường học vùng cao xứ Thanh còn giáo dục tình yêu Tổ quốc cho học sinh qua “Tiết học biên cương” vô cùng sinh động, hấp dẫn. BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp với Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát) thường xuyên thực hiện tốt mô hình “Tiết học biên cương”. Mỗi tiết học có một chủ đề xuyên suốt. Giáo án “Tiết học biên cương” được các đơn vị biên soạn chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, gần gũi với thực tiễn, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ.

Tham gia “Tiết học biên cương”, học sinh được trải nghiệm thực tế tại các trạm kiểm soát biên phòng, làm các thủ tục xuất nhập cảnh... Ngoài ra, các “thầy giáo mang quân hàm xanh” còn lồng ghép tổ chức các trò chơi để bài giảng về pháp luật nhẹ nhàng, mềm mại hơn, tạo sự hứng khởi, giúp các em dễ hiểu nội dung bài giảng. Sau mỗi tiết học, các em học sinh sẽ trao đổi lại với gia đình, người thân, từ đó góp phần nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của mỗi công dân đối với chủ quyền biên giới quốc gia.

Em Nguyễn Thị Thoa, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Mường Lát cho biết: “Tham gia học ngoại khóa theo mô hình “Tiết học biên cương”, ngoài học lý thuyết, chúng em còn được đi tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng; tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, cột mốc phụ... Chúng em còn được nghe các chú bộ đội kể về truyền thống của đơn vị và nhân dân địa phương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Từ khi được tham gia “Tiết học biên cương”, em hiểu rõ hơn về trách nhiệm của cá nhân, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia... Chúng em sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền tới các thành viên trong gia đình và cô, bác trong bản những kiến thức đã học được”.

Thực tế cho thấy, các “Tiết học biên giới” không chỉ góp phần bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc mà còn giúp các em hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ, từ đó sẽ trở thành một “cột mốc sống” trên tuyến biên giới cùng chung sức xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị tốt đẹp.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 13

Tin liên quan