Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Môi trường sống ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần trẻ em

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ngoài yếu tố di truyền, sức khỏe tinh thần của trẻ em chịu sự ảnh hưởng nhất định từ môi trường nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện của mỗi gia đình.

Ảnh hưởng từ người thân

Gia đình được xem là yếu tố có tác động sâu sắc nhất đối với sự phát triển và hình thành nhân cách, tâm lý của mỗi đứa trẻ. Từ khi mới chào đời, trẻ em đã được tiếp xúc, gắn bó với mọi người và dễ bị ảnh hưởng bởi cách sinh hoạt, nền nếp và sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình.

Ví dụ, khi các thành viên trong gia đình tương tác và trò chuyện với nhau một cách lịch sự, nhã nhặn, thấu hiểu, tôn trọng sự khác biệt, thì trẻ cũng học được cách ứng xử tương tự và hình thành nhân cách, tâm lý tích cực. Ngược lại, cha mẹ có tính tình hiếu thắng, nóng nảy, độc đoán thì con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

asian-mother-enjoy-teach-explain-homework-child-daughter-online-study-during-homeschooling-home-home-quarantine-online-learning-new-normal-lifestyle.jpg
 Môi trường gia đình có tác động đối với sự phát triển và hình thành nhân cách, tâm lý của mỗi đứa trẻ (Ảnh minh họa).

Áp lực từ sự kỳ vọng 

Bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thành công trên đường đời. Tuy nhiên, nếu sự kỳ vọng này không dựa trên sự thấu hiểu năng lực, sở trường của con thì dễ dẫn đến tham vọng và tạo ra những cái bẫy “tiêu chuẩn” đè nặng lên tâm lý con trẻ.

Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ em không vượt qua được áp lực này và rơi vào tình trạng hoài nghi về năng lực bản thân cũng như phải gánh chịu nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe, rối loạn cảm xúc, trầm cảm…

Bị phân biệt đối xử

Ngay từ nhỏ, nhiều trẻ em đã phải thường xuyên đối mặt với những lời nói trêu đùa, bình phẩm, kỳ thị, do liên quan đến ngoại hình của mình ngay ở trong gia đình.

Việc bị phân biệt đối xử, thậm chí là phải gánh chịu các hành vi bạo lực khiến trẻ luôn phải sống trong trạng thái lo lắng, sợ hãi, tự ti và có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần cũng như quá trình phát triển nhân cách của trẻ sau này.

Môi trường học đường

Môi trường học đường cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển nhận thức và xã hội của trẻ em. Môi trường học tập tốt mang lại cơ hội phát triển, khuyến khích tinh thần đồng đội, giao tiếp và hợp tác giữa các thành viên.

Ngược lại, môi trường học tập căng thẳng có thể cản trở sự tiến bộ của trẻ. Áp lực học tập, bắt nạt hoặc thiếu sự hỗ trợ từ giáo viên và bạn bè có thể tác động tiêu cực đến trải nghiệm học tập và sức khỏe tinh thần của trẻ.

Rủi ro từ môi trường xã hội

Bên cạnh các yếu tố tác động trực tiếp từ gia đình, bạn bè thì môi trường sống xung quanh cũng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, tâm lý của trẻ em. Theo đó, nếu trẻ nhỏ sinh sống và lớn lên trong một cộng đồng văn minh, tiên tiến mang lại cho trẻ sự an toàn về mặt cảm xúc, phát triển các hoạt động ngoài trời và định hình cách giao tiếp, ứng xử lịch sự.

Ngược lại, khi trẻ phải liên tục tiếp xúc và sinh hoạt trong môi trường thường xuyên có sự mâu thuẫn, hàng xóm láng giềng hay cự cãi, xô xát, tranh chấp, bạo lực thì trẻ cũng bị hạn chế sự phát triển toàn diện nhân cách, tâm lý. Thậm chí, một số trẻ còn phải đối diện với nhiều tình huống rủi ro, rắc rối, ảnh hưởng đến nhận thức, tính cách và lối hành xử khi trưởng thành.

treem-16801707546971465749427.jpg
Môi trường sống ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần trẻ em.

Tạo cho trẻ môi trường sống lành mạnh 

Môi trường sống là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đối với sự hình thành và phát triển về nhân cách của trẻ nhỏ. Chính vì thế, cha mẹ cần có sự quan tâm thường xuyên và chú ý đến việc tạo dựng, lựa chọn các môi trường sống phù hợp để tạo sự gắn kết.

Khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách cởi mở. Đề cao tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Tùy theo điều kiện và độ tuổi phù hợp, trẻ cần có những không gian riêng tư và quan trọng hơn là trẻ cần được lắng nghe và tôn trọng. Hãy để cho trẻ có cơ hội được khám phá, tìm tòi về những điều thú vị xảy ra xung quanh cuộc sống. Bằng cách này, trẻ cũng sẽ học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ, rèn luyện được những kỹ năng cần thiết và hình thành tính cách, tâm lý vững vàng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường học tập phù hợp. Vì môi trường học tập ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nên cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc lựa chọn trường học phù hợp, giúp trẻ hòa đồng với bạn bè, thầy cô và được tự do phát triển theo khả năng.

Cha mẹ cũng cần thường xuyên liên lạc, trao đổi với giáo viên, nhà trường để nắm được tình hình học tập, hòa nhập của trẻ, từ đó sẽ có hướng hỗ trợ và tạo điều kiện để con phát triển tốt hơn.

Cùng với tiếp thu kiến thức, các hoạt động thể chất thông qua tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc cũng rất cần được quan tâm. Nên cho trẻ thực hành thiền, yoga và kỹ năng thư giãn để giảm căng thẳng và lo lắng, thúc đẩy sự điều tiết cảm xúc.

Xuân Quang

Tin liên quan
Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho con

Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho con

(LĐXH) - Cảm xúc tích cực là những trạng thái tâm trạng mang tính tích cực, giúp tăng cường sự hạnh phúc, sự hài lòng và sự thăng hoa trong cuộc sống.