Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Nhiều teen đang đắm chìm trong không gian mạng xã hội

LĐXH
LĐXH

Không chỉ người lớn nghiện mạng xã hội, nhiều teen cũng đang đắm chìm trong không gian của Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram, Twitter...

Mạng xã hội bên cạnh những ích lợi cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển toàn diện của "teen", lứa tuổi đang có nhiều biến động về tâm sinh lý và đang trong quá trình hình thành nhân cách.

 Nhiều teen sử dụng mạng xã hội để giải trí và giải tỏa stress

Sinh ra trong thời kỳ số hóa, các bạn teen ngày nay hầu như ai cũng có thể sử dụng công nghệ thông tin một cách thành thạo. Teen biết cách khai thác Internet để phục vụ học tập và giải trí, biết tận dụng mạng xã hội để kết nối và trao đổi thông tin và không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

kids-social-media-01.jpg
Cha mẹ cần hướng dẫn teen sử dụng mạng xã hội hợp lý (Ảnh: Minh Thư).

Hiện nay, giới trẻ Việt Nam chủ yếu sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram... để giao tiếp và chia sẻ về cuộc sống của mình. Thời lượng teen sử dụng các ứng dụng này chiếm phần lớn thời gian các em ở trên không gian mạng.

Về mặt tích cực, mạng xã hội đã giúp teen mở rộng mạng lưới xã hội và duy trì liên lạc với bạn bè, gia đình và người thân.

Ở một khía cạnh nào đó, mạng xã hội giúp teen phát triển bản thân, thể hiện cái tôi và sự sáng tạo trên không gian mạng. Nhiều teen sử dụng mạng xã hội như một phương tiện để giải trí và giải tỏa stress sau những giờ học căng thẳng.

Mạng xã hội là nguồn thông tin khổng lồ, giúp teen học hỏi và mở rộng hiểu biết. Có không ít khóa học trực tuyến có phí và miễn phí đã được teen tiếp cận thông qua mạng xã hội. Và đôi khi, thông qua mạng xã hội, teen biết đến các cuộc thi trí tuệ, năng khiếu ngoài trường học.

Mạng xã hội cũng tạo ra cơ hội để teen có thể tham gia vào các cộng đồng, hội nhóm, chia sẻ quan điểm và ý kiến của mình, thúc đẩy tư duy làm việc nhóm, tăng cường sự hợp tác và học hỏi.

Và thông qua mạng xã hội, teen có thể cùng mọi người làm từ thiện, giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn hoặc tham gia vào các trào lưu bảo vệ môi trường, ủng hộ người chuyển giới...

Cảnh báo những hệ lụy nếu dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội

Bên cạnh những tác động tích cực thì mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển toàn diện của teen. Nếu dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, teen sẽ:

Hạn chế giao tiếp trực tiếp: Việc sử dụng công nghệ di động và mạng xã hội có thể dẫn đến việc teen ít giao tiếp trực tiếp với bạn bè và người thân.

Giảm khả năng chú ý và tập trung: Mạng xã hội có nhiều nội dung hấp dẫn và lôi cuốn, khiến teen dễ bị phân tâm và khó tập trung vào một vấn đề nào đó.

Dam chim trong the gioi mang.jpg
Việc sử dụng công nghệ di động và mạng xã hội có thể dẫn đến việc teen ít giao tiếp trực tiếp với với bạn bè và người thân (Ảnh minh họa).

Suy giảm khả năng sáng tạo: Vì mọi thứ đều có sẵn trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… nên teen có thể sẽ ỷ lại vào kho dữ liệu này mà lười khám phá và sáng tạo.

Luôn cảm thấy áp lực: Không ít teen cảm thấy bị áp lực về việc duy trì một hình ảnh tích cực và ấn tượng trên mạng xã hội. Điều này làm gia tăng cảm giác căng thẳng và lo âu.

Nguy cơ trầm cảm: Một số teen có nguy cơ rơi vào cô đơn và trầm cảm do so sánh bản thân mình với người khác trên mạng xã hội.

Thiếu niềm tin: Mạng xã hội có không ít thông tin giả hoặc sai sự thật, nhiều teen chưa đủ kinh nghiệm và sự nhạy cảm để phân biệt đúng - sai nên đã tiếp cận các nguồn thông tin không chính xác. Việc thường xuyên bị “ăn” tin lừa sẽ khiến teen dần hoài nghi và mất niềm tin vào mọi thứ.

Bị bài xích: Trên mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể đưa ra các ý kiến, quan điểm của mình, nhưng đôi khi, teen có thể bị người khác áp đặt ý, thậm chí chế giễu, đánh hội đồng khi teen đưa ra ý kiến hay quan điểm trái chiều.

Hiệu suất học tập giảm sút: Quá đắm chìm vào các trang mạng xã hội sẽ khiến teen không còn thời gian dành cho gia đình cũng như việc học, việc chơi dẫn tới việc kết nối trực tiếp với mọi người bị ảnh hưởng, hiệu suất học tập giảm sút, tần suất các hoạt động ngoài trời cũng bị cắt giảm. Thậm chí, teen có thể bị thiếu ngủ, mất ngủ, mắc các bệnh về mắt và xương khớp.

Mất an toàn trực tuyến: Tham gia mạng xã hội, teen cũng phải đối mặt với các nguy cơ về mất an toàn trực tuyến như bị rò rỉ các thông tin và hình ảnh cá nhân; bị lừa gạt về tình cảm hoặc tài chính; thậm chí có thể bị bạo lực hoặc xâm hại.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, cha mẹ cần hướng dẫn teen sử dụng mạng xã hội hợp lý, nên theo dõi và tìm kiếm những nội dung, thông tin gì. Đồng thời, hãy thường xuyên trò chuyện với teen về các trải nghiệm của con trên mạng xã hội, giáo dục trẻ về sự an toàn và quyền riêng tư trên không gian mạng, cung cấp cho trẻ các kỹ năng tự bảo vệ và quản lý bản thân.

Mặt khác, cha mẹ cần khuyến khích trẻ tương tác trực tiếp và tham gia vào các hoạt động xã hội ngoài trời để trẻ phát triển toàn diện và cân bằng giữa cuộc sống thực tế và cuộc sống trên mạng.

Minh Thư

Tin liên quan
Mất tiền vì tin “bùa yêu”

Mất tiền vì tin “bùa yêu”

(LĐXH) - Rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, không ít người vì nhẹ dạ cả tin đã tìm mua các loại “bùa yêu” trên mạng xã hội với mong muốn hàn gắn hạnh phúc...