Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Những lễ khai giảng đặc biệt và xúc động

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Thời điểm này, các trường học và học sinh trên cả nước đang gấp rút chuẩn bị cho một lễ khai giảng thật ấn tượng và ấm áp.

Trước thềm năm học mới, cùng "Vì trẻ em" điểm lại những hình ảnh vô cùng đặc biệt và xúc động của lễ khai giảng năm học 2023-2024.

Ngày 5/9 hằng năm là sự kiện lớn không chỉ của ngành Giáo dục, mà còn là của cả nước. Đây là ngày khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Lang Luong 1.jpg
Các cô giáo đón học sinh đến khai giảng tại điểm trường Lăng Lương, Quảng Nam. Ảnh: GVCC

Có những lễ khai giảng diễn ra hoành tráng với hàng ngàn học sinh tham dự, nhưng cũng có những lễ khai giảng chỉ vỏn vẹn vài chục học sinh và 2-3 thầy cô giáo cắm bản. Dù ít hay nhiều, dù ở thành phố hay nông thôn, dù miền núi hay hải đảo, lễ khai giảng vẫn luôn là kỷ niệm khó quên đối với mỗi thầy cô giáo và học trò.

Có những điểm trường nằm cheo leo bên sườn núi với những lớp học đơn sơ, không micro, không bục phát biểu, thậm chí cũng chẳng có lẵng hoa nào, nhưng các thầy cô cắm bản vẫn cố gắng tổ chức lễ khai giảng trang trọng nhất có thể.

Khoảnh khắc thầy và trò háo hức dự lễ khai giảng ở ngoài trời, giữa mênh mông đồi núi hoặc ở đảo xa giữa trùng trùng đại đương được chính các thầy cô giáo ghi lại là những thước phim đời thường vô cùng chân thật và xúc động. 

Lễ khai giảng giữa lưng chừng núi

Điểm trường Lăng Lương (thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) chỉ có 31 học sinh dân tộc Ca Dong, nhưng lễ khai giảng năm học 2023-2024 vẫn được hai cô giáo trẻ Trà Thị Thu và Trần Thị Nhung tổ chức trang trọng, ấm cúng với đầy đủ nghi thức chào cờ, đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước, diễn văn chào mừng năm học mới…

Những hình ảnh về lễ khai giảng ở giữa những tầng mây của đỉnh núi Ngọc Linh được cô giáo Thu đăng tải lên mạng xã hội đã gây xúc động đối với nhiều người.

Điểm trường Lăng Lương nằm trên đồi cao, xung quanh núi rừng xanh ngắt. Nơi đây chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chập chờn, không có Internet. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, vài ngày trước khai giảng, các thầy giáo đã lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, kéo dây, trang bị bóng đèn ở 2 phòng học và phòng ở công vụ để kịp phục vụ chiếu sáng cho học sinh và sinh hoạt của giáo viên.

Tại đây, có 6 học sinh lớp 1, 8 học sinh lớp 2 và 17 em lớp mẫu giáo theo học. Cô Trà Thị Thu đảm trách dạy lớp ghép tiểu học, còn cô Trần Thị Nhung phụ trách dạy các trẻ mẫu giáo.

Lễ khai giảng đặc biệt tại huyện đảo Trường Sa

Truong Sa.jpg
Đại diện Ban chỉ huy đảo Trường Sa tặng quà cho các học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới. Ảnh: VGP

Cùng với học sinh cả nước, cứ đến ngày 5/9, học sinh ở thị trấn Trường Sa và các xã Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Tây A thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa lại nô nức đi khai giảng năm học mới.

Trước ngày khai giảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, chiến sỹ cùng các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, học sinh trên các đảo cùng nhau dọn vệ sinh, trang trí lớp học. Mặc dù đời sống đảo xa còn nhiều khó khăn, nhưng UBND huyện Trường Sa đã cố gắng trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị học tập, dành những điều tốt nhất cho trẻ em ở nơi đảo là nhà, biển cả là quê hương. 

Lễ khai giảng ở ngôi trường hát Quốc ca bằng tay

Xa Dan.jpg
Học sinh trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội hát Quốc ca bằng tay.

Lễ khai giảng hằng năm tại Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội (tên cũ Trường dạy trẻ câm điếc Hà Nội) luôn diễn ra theo cách rất đặc biệt khi học sinh và thầy cô giáo dùng cử chỉ tay để hát Quốc ca. Để làm được điều này, các em học sinh, thầy cô Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn phải tập luyện từ trước đấy cả tháng.

Ngay khi tiếng trống trường vang lên báo hiệu buổi khai giảng chính thức bắt đầu, khối các học sinh bình thường bắt đầu cất tiếng hát; nửa còn lại, những học sinh khiếm thính cũng ngước mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, tay vẽ ký hiệu để hát Quốc ca theo cách riêng của mình.

Hiện nay, trường tổ chức dạy học cho cả học sinh bình thường và học sinh khiếm thính (chiếm 60%). Với sự pha trộn này, các học sinh khiếm thính được chăm sóc tốt hơn và dễ dàng hòa nhập hơn. Trong khi đó, những học sinh bình thường cũng có thể giúp đỡ học sinh khiếm khuyết, qua đó bồi đắp lòng nhân ái, sự bao dung.

Box: Ở những địa phương còn khó khăn, con đường đến trường dẫu có gập ghềnh, đầy chông gai thì đó vẫn là con đường hạnh phúc đối với nhiều trẻ em.

Phương Anh

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16

Tin liên quan