Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hành trình tìm lại quyền đi học cho những đứa trẻ từ cuốn học bạ bản sao

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sáng nay (5/9), W.A.H. (SN 2008, TPHCM) háo hức chuẩn bị cho lễ khai giảng đặc biệt của cuộc đời sau gần 2 năm phải tạm dừng việc học vì nợ học phí...

Trường hợp khác cũng ở TPHCM, em N.N.N. (SN 2012) trở lại trường sau 1 năm học dang dở xuất phát từ tranh chấp của bố mẹ. 

Hành trình để em W.A.H. và em N.N.N. quay lại trường học đều xuất phát từ lời kêu cứu của hai người mẹ và nỗ lực chung tay của nhà trường, sự linh hoạt của các cơ quan quản lý, sự đồng hành bền bỉ của báo Dân trí trong việc tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc nhằm đảm bảo quyền đi học của trẻ. 

Hành trình tìm lại quyền đi học cho những đứa trẻ từ cuốn học bạ bản sao - 1
Bà Nguyễn Thị Hiếu cùng con trai W.A.H. đến Báo Dân trí chia sẻ hoàn cảnh nợ học phí và chưa thể rút học bạ. Ảnh: Huyên Nguyễn

Nguy cơ thất học vì bố mẹ tranh chấp 

Giữa tháng 5, bà Nguyễn Thị Hiếu, mẹ của em A.H. chia sẻ những điều đầy day dứt khi không thể cho con đi học vì bị nợ học phí. 

Nuốt nước mắt kể về hoàn cảnh của mình, bà Nguyễn Thị Hiếu cho biết, năm 2022, do dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, việc kinh doanh xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ của bà tác động nặng nề đã ảnh hưởng đến quá trình học tập của A.H. tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Quốc tế Á Châu. 

Sau một thời gian cầm cự cho con học đến tháng 1/2023, gần cuối học kỳ I lớp 9, kinh tế gia đình cạn kiệt, người mẹ không thể cho con tiếp tục theo học tại trường. Vấn đề phát sinh là bà không còn khả năng thanh toán hơn 83 triệu đồng tiền học phí đã nợ nhà trường trước đó nên không thể rút học bạ để con chuyển về trường có học phí thấp hơn. 

Người mẹ tìm đủ mọi cách, năn nỉ nhà trường cho trả dần học phí nhưng không có kết quả. Nhà trường đã giảm 30% học phí (còn 58,2 triệu đồng) nhưng vẫn giữ quan điểm khi nào phụ huynh thanh toán hết tiền mới giao lại học bạ. Không có học bạ, cùng với sự bấp bênh về kinh tế của mẹ, W.A.H. đã phải dừng việc học gần 2 năm nay. 

Hành trình tìm lại quyền đi học cho những đứa trẻ từ cuốn học bạ bản sao - 2
Đơn cầu cứu của bé N.N.N. về việc "xin được đi học".

“Gần 2 năm không được đi học, em buồn vô cùng. Em chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ công việc của người thân. Em vẫn mong mình sẽ được đi học lại”, A.H. ngậm ngùi.  

Cũng vướng mắc từ học bạ, bé N.N.N. (ngụ ở quận 7, TPHCM) đã không thể đến trường 1 năm nay và đứng trước nguy cơ tiếp tục lỡ học năm thứ 2. 

Chị N.T.M., mẹ của cháu N. cho biết, năm 2017, vợ chồng chị ly hôn, quyết định của TAND Cầu Giấy, Hà Nội giao cho bố nuôi N. và chị gái (SN 2010). Mỗi tháng, chị M. có trách nhiệm chu cấp nuôi con và không ai được cản trở quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung.

Tuy nhiên, từ sau quyết định của tòa, chị muốn gặp con đều phải lén lút hoặc thông qua giáo viên, phụ huynh, bạn bè cùng lớp của con. Đầu tháng 11/2023, chị nhận được tin nhắn cầu cứu từ con bày tỏ mong muốn được ở với mẹ. Khi đó, cháu đang là học sinh lớp 6, Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội. 

Sau đó, chị M. nộp đơn khởi kiện thay đổi quyền nuôi con tại TAND quận Cầu Giấy. Cùng với đơn khởi kiện này và lời kêu cứu "muốn ở với mẹ" của con, chị đưa cháu N. vào TPHCM sống cùng mình. 

Tuy nhiên, lúc này, Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội (theo yêu cầu của người bố) đã không trả hồ sơ hay xác nhận để giải quyết chỗ học cho bé.

Với tờ giấy khai sinh của cháu N., chị M. đi khắp trường ở TPHCM xin học cho con. Chị đến đâu, trường nào cũng lắc đầu vì cháu không có học bạ và đặc biệt, hàng loạt trường thông tin đã nhận được đơn thư yêu cầu không tiếp nhận cháu N. vào học khi bố không đồng ý. 

Cuối tháng 12/2023, một trường tư thục ở quận 7 trên tinh thần đảm bảo quyền được học của đứa trẻ nhận cháu N. và yêu cầu gia đình sớm bổ sung hồ sơ. Nhưng chỉ được 2 tuần, người mẹ gục ngã khi nhận thông báo trường trả cháu về. Nhà trường giãi bày, có người đã liên hệ đến trường đe dọa sẽ tố cáo trường tiếp nhận cháu N. vào học mà không được sự đồng ý của bố.

Từ ngày “tháo chạy” đến với mẹ, cháu M. không thể đến trường, lỡ học 1 năm nay vì không có học bạ. Chuẩn bị bước vào năm học mới, cháu đứng trước nguy cơ tiếp tục lỡ học năm thứ hai. Nhất là khi vụ tranh chấp nuôi con giữa chị M. và chồng cũ chưa biết bao giờ mới đến hồi kết, không biết đến khi nào cháu N. mới có thể “chính danh” đi học. 

Từ cuối năm 2023 đến nay, đơn cầu cứu đã được chị N.T.M. gửi đến hàng loạt cơ quan chức năng với mong muốn duy nhất là con được đến trường theo đúng nguyện vọng của con.

Phối hợp linh hoạt đảm bảo quyền đi học của trẻ 

Hành trình tìm lại quyền đi học cho những đứa trẻ từ cuốn học bạ bản sao - 3
Cháu N.N.N. bị chậm học 1 năm vì tranh chấp của bố mẹ. Ảnh: N.M

Nhận thấy quyền được đi học của trẻ cần được đảm bảo, phóng viên Dân trí đã kiên trì đeo bám sự việc, phối hợp với các trường, cơ quan quản lý cùng giải quyết vướng mắc.

Đối với trường hợp em W.A.H., sau gần 1 tháng trao đổi giữa các bên, Trường Tiểu học - THCS - THPT Quốc tế Á Châu chấp thuận đề xuất trả 50% học phí của phụ huynh và đồng ý cấp học bạ bản sao để học sinh nộp sang trường khác. Học bạ chính sẽ được rút khi phụ huynh hoàn trả khoản nợ học phí theo đúng thỏa thuận giữa hai bên. 

Đồng thời, Sở GD&ĐT TPHCM hỗ trợ gia đình kết nối với cơ sở giáo dục để đảm bảo bản học bạ bản sao vẫn được chấp nhận. 

Làm thủ tục nhập học cho con tại trường mới sau gần 2 năm “đứt gánh”, bà Nguyễn Thị Hiếu nghẹn ngào: “Nhờ sự hỗ trợ của các bên, con tôi đã có cơ hội học lớp 9 để tiếp tục nuôi ước mơ của mình”. 

Niềm vui đến với cháu N.N.N. cũng đến kịp dịp khai giảng năm nay khi ngày 30/8 vừa qua, chị N.T.M. đã nhận được bản sao kết quả học tập của con từ Trường THCS Cầu Giấy.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM cho biết, thông qua báo chí phản ánh, ngay sau khi nắm được sự việc cháu N.N.N. đứng trước nguy cơ thất học vì bố mẹ tranh chấp, Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM đã trao đổi trực tiếp với Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hà Nội đề nghị có sự hỗ trợ, đảm bảo nhu cầu học tập chính đáng của trẻ trong năm học mới. 

Ông Bình thông tin, Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP Hà Nội đã làm việc với UBND quận Cầu Giấy, Ban giám hiệu Trường THCS Cầu Giấy để gỡ vướng mắc.

Trong trường hợp này, ông Bình cho hay cần có sự thống nhất từ phía ngành GD&ĐT TPHCM cũng như Hà Nội trong việc chấp nhận kết quả học tập của bé N.N.N., ngay cả khi học bạ chỉ là bản sao y chứng thực. Bởi đây là quyền lợi chính đáng của trẻ, không thể vì sự tranh chấp của người lớn mà trẻ không được đến trường. 

Sau khi có bản sao học bạ, chứng thực của nhà trường, Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM xử lý gấp trường hợp của em N.N.N., tạo mọi điều kiện học tập cho em vào lớp 6 kịp năm học mới. 

Với bộ học bạ bản sao, cháu N. đã được sắp xếp vào học tại một Trường THCS trên địa bàn quận 7. 

“Không ai được tước quyền đi học của trẻ” 

Liên quan đến những trường hợp trẻ dang dở việc học vì tranh chấp, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, quyền được đến trường, học tập là quyền chính đáng của trẻ. TPHCM luôn tạo mọi điều kiện để trẻ được đến trường, đảm bảo quyền được đi học, quyền lợi này của trẻ không bị “ràng buộc” trong những tranh chấp của người lớn. 

Quy định chuyển trường hiện nay bắt buộc phải có học bạ bản chính nhưng nói như ông Cao Thanh Bình, có những trường hợp, kể cả học bạ bản sao cũng cần được chấp nhận để đảm bảo quyền lợi của trẻ. 

Là người tiếp nhận đơn kêu cứu của W.A.H., bà Trương Thị Tuyết, Chánh văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, bà rất đau xót trước những hoàn cảnh như vậy. Mẹ của cháu thừa nhận sai sót của gia đình khi nợ nhà trường học phí nhưng trong câu chuyện này cần xem xét tới yếu tố cháu A.H. dưới 16 tuổi. “Không ai được tước đi quyền học tập của trẻ", bà Trương Thị Tuyết nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Văn Liêm, Trưởng Văn phòng Luật sư Quốc tế L&P nhận định khi có tranh chấp, các bên cần đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết để giải quyết vấn đề. 

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp khẳng định: "Quyền học tập là một trong các quyền cơ bản của trẻ em, của công dân được hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận". 

Cùng với sự đồng hành từ báo Dân trí, con đường đến trường của những đứa trẻ này tiếp tục được nối dài, viết tiếp những ước mơ còn dang dở. Cùng hành trình của con là những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc, những lời cảm ơn từ những người mẹ.   

 

Huyên Nguyễn - Hoài Nam

Báo Lao động và Xã hội số 107

Tin liên quan