Việc nhận diện và ngăn chặn hình thức bạo lực này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, nhằm xây dựng một môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
“Bạo lực trắng” - Vết thương không hằn lên thân thể
Các chuyên gia tâm lý thường gọi những hành động như tẩy chay, gây áp lực tâm lý, sỉ nhục, nói xấu… là “bạo lực trắng”. PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết: “Không phải các em đánh nhau mới là bắt nạt.
Xã hội hiện nay có những kiểu bắt nạt đáng sợ mà chúng tôi tạm gọi là “bạo lực trắng”, để ám chỉ sự bạo hành ép nạn nhân vào trạng thái bị cô lập, cảm thấy bị bỏ rơi. Từ trải nghiệm của chính tôi, trong cuộc sống, trong giáo dục con cái và học trò, tôi biết rằng sự cố ý bỏ rơi, sự ghẻ lạnh... sẽ đẩy con người đến cô đơn, tuyệt vọng”.
Bình An, học sinh lớp 11 ở Hà Nội chia sẻ rằng, những hành vi bạo lực tinh thần rất khó được giáo viên nhận diện và xử lý do không để lại dấu vết cụ thể như bạo lực thể chất.
“Giáo viên chỉ hỏi lý do dẫn đến bạo lực và yêu cầu các bạn hòa hợp với nhau, trong khi điều này là không thể. Hơn nữa, nếu trình bày với giáo viên, nạn nhân có thể sẽ bị trả thù nặng nề hơn. Vì vậy, phần lớn các bạn chỉ im lặng chịu đựng và tự chữa lành”, Bình An cho hay.
Thực tế, có nhiều thầy cô giáo và cả phụ huynh đã rất ngỡ ngàng khi biết trẻ bị các bạn cùng lớp tẩy chay, gây áp lực tâm lý suốt nhiều năm. Bởi vì, bình thường họ chỉ lo lắng khi thấy trẻ bị điểm kém, có biểu hiện “hư hỏng”, mà bỏ qua dấu hiệu chán nản, buồn bã, lo âu, mất ngủ hằng ngày của các em.
Đây chính là sai lầm nghiêm trọng, vì những cảm xúc tiêu cực ở trẻ nếu cứ kéo dài, không được quan tâm, chia sẻ sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, thậm chí tự tử.
Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý, “bạo lực trắng” ngày càng xuất hiện nhiều trong giới trẻ, cả ở trong trường học và trên mạng xã hội. Hình thức bạo lực này gây ra những hậu quả khôn lường đối với các em nếu không được quan tâm xử lý và ngăn chặn.
Đây là một vấn đề “nóng”, thậm chí nhức nhối hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều học sinh không còn là một niềm vui mà là nỗi lo sợ.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra, 14% trẻ em trên toàn cầu đang bị rối loạn tâm thần, trầm cảm lo âu, tự tử - đứng hàng thứ 4 trong các nguyên nhân tử vong của trẻ em.
Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, các hình thức bắt nạt học đường cũng ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
Vai trò của gia đình và nhà trường
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, “bạo lực trắng” là hành vi kỳ thị giữa học sinh với học sinh, cô lập bạn mình cả trong đời thực cũng như trên không gian mạng. “Nếu các em bị “bạo lực trắng” thì phải tìm đến những người tin tưởng nhất để chia sẻ và hãy lên tiếng nếu thấy có nguy cơ càng cao.
Nếu các em có hành vi chưa đúng hoặc sai thì phải chịu kỷ luật, nhưng đó là kỷ luật tích cực, không bạo lực, không nước mắt.
Và nếu các em băn khoăn về “bạo lực trắng”, “bắt nạt trắng” trong trường học thì hãy gọi đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải lên tiếng khi bị bắt nạt tinh thần.
Để đối phó với “bạo lực trắng”, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng, nhằm xây dựng một môi trường học đường tích cực, an toàn và hỗ trợ cho tất cả học sinh.
Phụ huynh cần chú ý đến những thay đổi nhỏ trong hành vi của con, chẳng hạn như xu hướng xa lánh bạn bè, không hứng thú với các hoạt động thường ngày, hoặc biểu hiện chán nản kéo dài.
Gia đình cần đóng vai trò người bạn đồng hành, giúp trẻ giải tỏa áp lực và tìm giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần trang bị cho trẻ các kỹ năng ứng phó với “bạo lực trắng”.
Giáo viên cũng cần được đào tạo để nhận biết và xử lý bạo lực tinh thần trong trường học. Các chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết xung đột và sử dụng mạng xã hội an toàn cần được nhà trường đẩy mạnh.
Ngoài ra, việc tạo môi trường học tập tích cực, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và xây dựng tình bạn lành mạnh giữa học sinh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bạo lực tinh thần.
Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là yếu tố then chốt. Các buổi gặp gỡ giữa phụ huynh, giáo viên và chuyên gia tâm lý nên được tổ chức định kỳ để cập nhật tình trạng tâm lý của học sinh, tránh những hậu quả đau lòng do nhận thức muộn màng.
Thùy Dương
Ấn phẩm Vì trẻ em số 23