Bổ sung tổ hợp xét tuyển mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo đó, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong 9 môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trong đó, Tin học và Công nghệ là hai môn lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Các môn học trên sẽ tạo ra 36 tổ hợp để tuyển sinh đại học. Để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường đại học đã có những điều chỉnh ban đầu liên quan đến tổ hợp, phương thức xét tuyển, nhưng đến giữa tháng 12/2024 chưa công bố chi tiết thời gian, các điều kiện, chỉ tiêu ở từng phương thức xét tuyển do đợi quy chế tuyển sinh mới từ Bộ GD-ĐT (quy chế này sẽ được ban hành sau ngày 22/1/2025).
Xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu
Ngày 22/11, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (áp dụng từ năm 2025).
Theo dự thảo, các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, bắt buộc có Toán hoặc Văn và điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ.
Điểm xét, trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Nhiều năm qua, xét học bạ là một phương thức tuyển sinh được nhiều trường đại học lựa chọn để xét tuyển, nhất là xét tuyển sớm. Năm học 2023-2024, có hàng trăm trường đại học xét tuyển học bạ. Đa số các trường đều dành trên 20% cho xét học bạ, thậm chí có trường dành tới 40% - 50% tổng chỉ tiêu, có trường xét tuyển học bạ trong nhiều đợt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, điểm học bạ cao không tỉ lệ thuận với điểm học đại học và tỉ lệ cam kết theo đến cùng ngành học của xét học bạ rất thấp. Do đó, tuyển sinh theo phương thức xét học bạ không đảm bảo được chất lượng đầu vào.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội ủng hộ việc hạn chế thời gian và chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ. Vì nhiều năm nay, kết quả đánh giá theo học bạ luôn cao hơn kết quả thi tốt nghiệp THPT và vẫn còn tình trạng cả nể, dễ dãi trong đánh giá theo học bạ.
Hiện tại, nhiều trường đại học như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM… đã bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ.
Các thí sinh không nên hoang mang
Nhiều trường đại học lo lắng khi Bộ GĐ-ĐT khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm. Các thí sinh cũng lo lắng, hoang mang khi giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như: Xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh.
Xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào.
Tuy nhiên, trên phương diện thời gian thì xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.
Còn về quy định điểm xét, trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp phải được quy đổi về một thang điểm chung vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi trên các diễn đàn và hội nghị.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc quy đổi điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp về một thang điểm chung là khá gượng ép và bất khả thi, bởi khó có căn cứ khoa học để quy đổi về một thang điểm giữa các phương thức, không đủ dữ liệu, không phù hợp thực tế…
Lý giải về quy định này, bà Thủy cho biết, trong những năm vừa qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.
Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.
Tuy nhiên, khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo, dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.
Đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao, do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều, đặc biệt là ở các ngành, trường “hot”. Điều này gây mất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Minh Thư
Ấn phẩm Vì trẻ em số 24