Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Tặng quà Tết thầy, cô giáo: Giá trị không bằng cách tặng

Trần Huyền
Trần Huyền

Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu rục rịch chuẩn bị quà tặng các thầy, cô của con. Tuy nhiên, tặng gì cho thầy, cô và tặng như thế nào thì không phải ai cũng biết cách.

Quà Tết thầy, cô xưa và nay 

Đang chọn quà Tết trong một cửa hàng tiện lợi, được phóng viên Dân trí phỏng vấn nhanh, chị Thu Huyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chọn quà Tết tặng thầy cô đối với chị không mấy dễ dàng. Mỗi năm, chị sẽ tặng thầy, cô chủ nhiệm của con một món quà khác nhau, năm sau không giống năm trước. Chị lo, nếu năm nào quà tặng cũng giống nhau thầy, cô sẽ nghĩ rằng chị tặng cho có, không thực sự thành tâm và đầu tư cho việc tìm kiếm quà tặng.

Dịp Tết 2023, chị tặng cô chủ nhiệm của con gái một bộ dưỡng da của Hàn Quốc, còn năm nay chị đổi sang tặng bộ dầu gội và xả của Nhật Bản. Chị cho rằng, những mỹ phẩm như thế này phụ nữ nào cũng cần và chắc cô giáo của con sẽ thích món quà này. 

Tang qua thay co.jpg
Tặng quà Tết thầy, cô giáo là để thể hiện lòng biết ơn và trân trọng sự dạy bảo tận tình của thầy, cô dành cho con em mình suốt thời gian qua (Ảnh minh họa).

Khác với chị Thu Huyền, chị Khánh Linh, một khách hàng đang có mặt trong cửa hàng cho biết, thường sát Tết chị mới chuẩn bị quà tặng thầy, cô. Chị ít khi mua các giỏ quà gói sẵn trong siêu thị hay tặng những bộ mỹ phẩm đắt tiền, quần áo sang trọng, cũng không biếu phong bì hay chuyển khoản mà thường tặng các thầy, cô những đặc sản của quê hương chị như chả cá thu/ cá thu một nắng/ cá lanh khô/ tôm nõn...

Chị Khánh Linh chia sẻ: “Tôi nghĩ, tặng quà Tết không nên tặng các món quá giá trị, vì giá trị quà càng cao thì thầy cô càng cảm thấy áp lực. Tôi tặng quà Tết các thầy, côdạy con chỉ với một tấm lòng biết ơn chứ không có ý định cầu cạnh gì. Tôi thích tặng những món quà Tết thiết thực và phù hợp với không khí Tết cổ truyền”. 

Theo chị Linh, cách đây 30-40 năm vì mẹ chị là cô giáo nên mỗi dịp Tết đến, nhà chị sẽ ngập tranh, ảnh, lịch treo tường, sổ và bút… Có một số phụ huynh làm nghề buôn bán, người bán cam thì tặng cô vài cân cam sành, người bán giò thì tặng cô cân giò, người bán vải tặng cô mảnh vải để may áo dài... Đa phần các món quà Tết đều là phụ huynh có sẵn chứ họ không phải đi mua. Ngày đó, cả thầy, cô và phụ huynh lẫn học trò đều vui vì tình cảm gần gũi, giản dị. 

“Quà Tết thầy cô bây giờ nhiều khi bóng bẩy quá, mất đi sự tự nhiên và gần gũi giữa giáo viên và phụ huynh” - chị Khánh Linh chia sẻ.

Anh minh hoa.jpg
Quà tặng thầy, cô có giá trị là rất quý nhưng càng quý hơn ở tấm lòng và thái độ trân trọng của người tặng (Ảnh minh họa).

Của cho không bằng cách cho 

Có những bậc phụ huynh rất để tâm chuyện chọn quà Tết tặng thầy cô, nhưng cũng có không ít người coi việc tặng quà Tết cho thầy, cô như một nghĩa vụ. Vậy nên, mới có tình huống phụ huynh, học sinh tặng quà mà thầy, cô không muốn nhận.

Có phụ huynh sau khi chuẩn bị quà Tết tặng thầy, cô rồi bảo con mang đến lớp tặng. Nhiều học sinh lễ phép tặng thầy, cô với thái độ chân thành, kính trọng; nhưng cũng không ít em khi tặng đã cố tình nhấn mạnh vào giá trị của món quà khiến cho các thầy, cô không muốn nhận.

Việc học sinh cư xử mất lịch sự và thiếu tôn trọng với giáo viên một phần do chính sự giáo dục từ gia đình. Nếu trong quá trình nói chuyện với con, cha mẹ giữ thái độ kính trọng và biết ơn giáo viên của con thì trẻ sẽ không dám tỏ thái độ vô lễ với thầy cô.

Cô Hoài Thu, một giáo viên ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, có lần một phụ huynh nam đi xe ô tô sang đến tận cổng trường nhưng không vào trong trường gặp cô mà gọi điện bảo cô ra cổng trường để tặng quà Tết. Học sinh của cô đứng bên cạnh bố giơ điện thoại lên chụp cảnh bố tặng quà cô giáo.

Hành động này khiến cô có cảm giác như mình đang được người ta gọi ra check in nhận hàng. Việc được tặng quà ở cổng trường nơi có nhiều người qua lại khiến cô Hoài Thu cảm thấy mình chưa được trân trọng.

Cô Hoài Thu không mong phụ huynh hoặc học sinh phải đến tận nhà thầy, cô nhưng ít ra thì cũng nên tặng cô ở trên lớp hoặc trong sân trường thay vì ở cổng trường hay ngoài đường.

Đúng là “của cho không bằng cách cho”. Quà tặng thầy, cô có giá trị là rất quý nhưng càng quý hơn ở tấm lòng và thái độ trân trọng của người tặng. Việc tặng quà thầy, cô giáo nếu cư xử khéo léo với thái độ trân trọng có có lẽ các thầy, cô vui. Ngược lại, việc tặng quà nếu làm qua loa hoặc phô trương quá mức sẽ khiến cho thầy, cô cảm thấy như được ban ơn và không được tôn trọng.

Bình Yên