Đã đến lúc các cơ quan chức năng và toàn xã hội phải có những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi nguy hiểm này.
Hệ quả đau lòng
Đêm 3/11, một cô gái (27 tuổi ở Hà Nội) đã tử vong tại chỗ do bị các đối tượng thanh thiếu niên (TTN) đua xe trái phép gây tai nạn tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.
Vụ việc đã khiến cộng đồng không chỉ bàng hoàng, xót xa, mà còn dấy lên sự phẫn nộ đối với hành vi coi thường pháp luật của những TTN đua xe. Với người dân cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, tình trạng các nhóm TTN mang theo hung khí, lạng lách, nẹt pô, tổ chức đua xe trái phép đã trở thành một nỗi ám ảnh mỗi khi ra đường.
Đặc biệt, tại Hà Nội, người dân tại các quận nội thành không ít lần chứng kiến cảnh hàng trăm đối tượng TTN đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chia thành nhiều toán nhỏ, diễu hành liên tục trong nhiều giờ qua các tuyến phố lớn và chờ cơ hội đua xe trái phép.
Thậm chí, các đối tượng còn nắm rõ quy luật tuần tra của lực lượng chức năng, từ địa điểm cắm chốt kiểm tra, khu vực không có camera đến những tuyến đường ít cư dân, để phóng nhanh vượt đèn đỏ và tổ chức đua xe. Tuyến đường Lê Duẩn, đoạn qua công viên Thống Nhất, nổi tiếng là cung đường "đua ngắn tốc độ cao".
Những vụ tai nạn thương tâm do những TTN đua xe gây ra cho người đi đường là hệ quả của việc các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật chưa bị xử lý nghiêm khắc.
Tính mạng và quyền được an toàn của người dân khi tham gia giao thông không được coi trọng, khi bị đem ra đùa giỡn mỗi ngày bởi những TTN vô trách nhiệm. Nếu tình trạng TTN đua xe không được giải quyết triệt để, trong tương lai, rất có thể mỗi người trong chúng ta sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.
Sống trong sợ hãi
Không chỉ có TTN tại Hà Nội, nhiều nhóm từ các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, cũng kéo về Hà Nội tổ chức đua xe, gây rối trật tự công cộng rồi quay video để "lấy số" và thể hiện mình.
Mặc dù đã có nhiều hình thức tuyên truyền trong trường học, tại địpha phương và các cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ, khởi tố đối tượng vi phạm, nhưng hiện tượng TTN tụ tập đua xe vẫn diễn ra thường xuyên. Đáng lo ngại hơn, độ tuổi của các đối tượng này ngày càng trẻ hóa.
Hằng đêm, chứng kiến hàng trăm thanh thiếu niên chạy xe máy vòng vèo qua các tuyến phố, nhiều người đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái, và vai trò của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình trạng này.
Có ý kiến cho rằng, việc xử phạt các học sinh không đội mũ bảo hiểm vào ban ngày rất nghiêm ngặt, nhưng với nhóm đối tượng TTN không đội mũ bảo hiểm, đi xe không biển số lạng lách trên đường và tổ chức đua xe vào ban đêm thì dường như chưa bị xử lý triệt để. Điều này dẫn đến còn khá nhiều TTN ngông cuồng, coi thường pháp luật.
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra mới đây tại Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng truy xét và tạm giữ 10 đối tượng liên quan có độ tuổi từ 16 - 19.
Điều này cho thấy, việc phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm không hề khó khăn, nhất là khi Hà Nội đã lắp đặt hệ thống camera tiên tiến trên nhiều tuyến phố, kết hợp với camera an ninh từ các hộ dân. Việc trích xuất hình ảnh, biển số xe để triệu tập và xử lý các đối tượng, đồng thời gắn trách nhiệm gia đình với hành vi của con em mình là điều hoàn toàn có thể thực hiện.
Xử lý nghiêm, triệt để từ gốc
Tình trạng TTN đua xe trái phép là một vấn đề nhức nhối và nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người tham gia giao thông. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm còn phải có biện pháp giáo dục và phòng ngừa từ gốc rễ để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn. Để hạn chế tình trạng đua xe trái phép cần sự vào cuộc có trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.
Phụ huynh cần theo dõi sát sao con em mình, đặc biệt là vào ban đêm, không để các em tự do tụ tập hay tham gia vào những hành vi vi phạm. Đặc biệt, cha mẹ không được giao phương tiện xe máy cho trẻ em chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những hành động quyết liệt hơn để trả lại sự an toàn cho đường phố.
Liên quan đến công tác quản lý học sinh sử dụng phương tiện xe gắn máy, xe máy tham gia giao thông, tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến sáng 6/11 với các bộ, ngành và 15 tỉnh, thành phố về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh việc cần phải quy định giảng dạy, hướng dẫn học sinh về pháp luật, nhận thức trật tự an toàn giao thông, kỹ năng điều khiển xe gắn máy.
Các nội dung này phải được đưa vào chương trình học, gắn với trách nhiệm của gia đình và
nhà trường.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lạng lách, đua xe trái phép của thanh thiếu niên, đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội. Ngoài việc xử lý các đối tượng vi phạm, cần có giải pháp tịch thu và xử lý phương tiện tham gia vi phạm, lập đường dây nóng để ngăn chặn ngay từ khi các đối tượng chưa kịp tập hợp đua xe.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này đang tham mưu xây dựng dự thảo nghị định xử phạt hành chính, trong đó dự kiến tăng nặng mức xử phạt với các hành vi gây tai nạn giao thông, cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông, đồng thời tăng cường phòng ngừa, xử lý nghiêm thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông. |
Nguyễn Xuân
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21