Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Lan tỏa niềm yêu thích khoa học trong học sinh

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Qua Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, nhiều ý tưởng độc đáo, sát thực đã được các em học sinh thể hiện qua các sản phẩm sáng tạo, hữu ích và thân thiện với môi trường.

Khơi dậy sức sáng tạo không giới hạn ở học sinh

Nhiều năm qua, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (Cuộc thi) thực sự là một sân chơi bổ ích, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, thực hiện ước mơ trở thành nhà sáng chế, nhà khoa học trong tương lai.

Qua đó, khuyến khích thanh thiếu niên, nhi đồng nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. 

Lan tỏa niềm yêu thích khoa học trong học sinh - 1
“Sa bàn trận Điện Biên Phủ” của Trường TH&THCS Kim Sơn (huyện Bảo Yên, Lào Cai).

Cuộc thi dành cho học sinh từ 6-18 tuổi, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Trải qua 19 lần tổ chức, Cuộc thi đã thu hút hàng vạn học sinh tham gia với hơn 10 ngàn đề tài tham dự, 1.742 đề tài đã được Ban Chỉ đạo trao giải.

Nhiều sản phẩm dự thi của các em đã được hiện thực hóa trong cuộc sống. Hằng năm, những em có công trình sáng tạo xuất sắc đại diện cho Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ tại các nước và đã đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, mang vinh quang về cho đất nước.

Nhiều mô hình được triển khai ứng dụng vào thực tế

Với mong muốn bảo vệ nguồn tài nguyên, chống thất thoát nước, nhóm tác giả học sinh Trường THCS Hoàng Giang (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt thiết bị phát hiện rò rỉ nước, cảnh báo, tự động đóng nguồn nước khi bị thất thoát và thông báo đến người dùng qua điện thoại hoặc chuông báo. Thiết bị này có nhiều ưu điểm như dễ sử dụng, dễ điều khiển, giá thành rẻ... Đây là mô hình đã đoạt giải Ba Cuộc thi lần thứ 19.

Thời gian qua, các trường học ở Sơn La đã lồng ghép nội dung của Cuộc thi vào những môn học liên quan. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phát hiện những học sinh có tố chất, ý tưởng hay để định hướng, hướng dẫn nghiên cứu.

Học sinh có ý tưởng, sáng kiến đề xuất với giáo viên, ban giám hiệu nhà trường sẽ phân công giáo viên hỗ trợ học sinh trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, cũng như hướng dẫn kỹ năng xây dựng báo cáo, thuyết trình.

Lan tỏa niềm yêu thích khoa học trong học sinh - 2
Học sinh tự tin thuyết trình về sản phẩm dự thi của mình.

Nhiều mô hình, sản phẩm của các em có tính ứng dụng trong đời sống đã giành được giải cao như: Sản phẩm “Than không khói từ vỏ quả cà phê” của em Nguyễn Lệ Nhật Minh, Trường THCS Chất lượng cao Mai Sơn. Mô hình có ý tưởng sáng tạo từ vỏ quả cà phê tươi được nung trong điều kiện yếm khí, sau đó xay nghiền mịn để tạo thành bột than.

Bột than được phối trộn với phụ gia là bột năng làm chất kết dính thành khối dẻo để ép lại thành bánh và đem sản phẩm phơi nắng hoặc cho vào lò sấy nhiệt độ 39-40 độ C trong khoảng 4 giờ. Sản phẩm được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Sơn La kiểm định đạt hàm lượng chất bốc, độ ẩm, độ tro, nhiệt lượng, hàm lượng carbon theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Em Nhật Minh chia sẻ: “Sản phẩm than hữu cơ không khói từ vỏ quả cà phê đã tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, với quy trình sản xuất đơn giản, nên có thể triển khai làm sản phẩm trên quy mô vừa và nhỏ. Qua đó, mở ra hướng nghiên cứu mới về nguồn năng lượng tái tạo thay thế trong tương lai. Sản phẩm của em được chọn tham gia Cuộc thi toàn quốc năm 2024”.

Cũng từ sân chơi này, nhiều đề tài, sản phẩm của các em học sinh Thừa Thiên Huế  đã được ứng dụng vào cuộc sống. Mô hình “Làm giấy bằng phương pháp thủ công từ thân cây mai dương (cây mắt mèo) và tạo hộp đựng thực phẩm thân thiện với môi trường từ bột giấy” của nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Hữu Dật (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được đánh giá có tính phát hiện mới, sáng tạo thuộc lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường.

Mô hình “Thử tính kháng khuẩn, kháng nấm dịch chiết lá bàng, điều chế nước bảo quản rau củ quả và túi ngâm chân” của nhóm tác giả Trường THCS Trần Phú (TP Huế) được đánh giá là đề tài có tính thực tế cao, tối ưu trong cuộc sống, nguyên liệu dễ kiếm, thiết thực với sức khỏe con người.

Ngoài ra, còn những mô hình, sản phẩm thú vị, ứng dụng hiệu quả vào đồ dùng học tập, phần mềm tin học, dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em như:

Đề tài “Nghiên cứu máy phay, khắc lazer CNC mini và các phần mềm ứng dụng: Aspire, Candle, để gia công sản phẩm 3D dùng trong học tập môn Công nghệ ở trường THPT”; “Ứng dụng lập trình VBA và Microsoft Powerpoint để thiết kế học liệu điện tử môn hóa học cấp THCS", hay đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo chân trợ lực điều khiển bằng giọng nói và sóng não tập phục hồi chức năng và hỗ trợ đi lại cho người khuyết tật” trợ giúp cho người khuyết tật tự lập trong sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng. 

Hầu hết, các sản phẩm dự thi đều dựa trên thực tế hằng ngày, thân thiện với môi trường, có thể áp dụng vào cuộc sống. Tiêu biểu như những sản phẩm của các em học sinh huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai:

Sản phẩm “Máy phát cỏ tận dụng từ phế liệu chạy bằng năng lượng mặt trời” của nhóm tác giả Hoàng Thị Vân Kiều và Đặng Phúc Nhân, học sinh Trường THCS Điện Quan đã mang đến với các giải pháp kỹ thuật bảo vệ môi trường và hỗ trợ phát triển kinh tế; Mô hình “Sa bàn trận Điện Biên Phủ” của học sinh Trường TH&THCS Kim Sơn giúp người học hứng thú, dễ nhớ, dễ thuộc bài.

Không chỉ khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, Cuộc thi còn mở ra hình thức dạy học mới. Các hoạt động học tập trong nhà trường vừa gắn với thực tế, vừa gắn với nghiên cứu và sáng tạo, giúp học sinh làm quen với phương pháp tư duy, cách làm việc khoa học.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16

Tin liên quan