Những xung đột giữa thầy và trò gia tăng, đòi hỏi sự thay đổi tư duy và hành động để xây dựng một môi trường học đường thân thiện, nhân văn, phù hợp với sự biến chuyển của thời đại mà vẫn giữ vững giá trị cốt lõi của giáo dục.
Nguyên nhân xung đột giữa thầy và trò
Nghề giáo được ví như những người lái đò, đưa học sinh đến bờ tri thức. Trước đây, thầy cô giáo như người cha, người mẹ thứ hai của học sinh và luôn nhận được sự kính nể, tôn trọng của phụ huynh cũng như học trò. Nhưng hiện nay, trong mắt một bộ phận phụ huynh và học sinh, vị trí, vai trò của giáo viên đã không còn được như trước.
Một số vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, mối quan hệ thầy - trò đang dần bị thay đổi theo hướng tiêu cực, khi cách ứng xử không phù hợp từ cả hai phía đã làm rạn nứt mối quan hệ này. Những vụ việc giáo viên phạt học sinh quá mức, bắt học sinh quỳ, tát học sinh… không chỉ làm tổn thương tâm lý trẻ mà còn làm suy giảm lòng kính trọng dành cho giáo viên.
Ở chiều ngược lại, việc học sinh ngày nay ít sợ thầy cô hơn, không tôn trọng kỷ luật trường lớp, thậm chí xúc phạm thầy cô đã khiến nhiều người lo ngại.
Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn xuất phát từ sự khác biệt thế hệ, khác biệt quan điểm sống, thiếu kỹ năng giao tiếp và áp lực học tập khiến mối quan hệ thầy trò dễ nảy sinh hiểu lầm, mâu thuẫn.
Bên cạnh đó, sự phổ biến của mạng xã hội cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách giữa thầy và trò, khi nhiều hành vi của giáo viên bị học sinh ghi lại và chia sẻ rộng rãi mà không có sự kiểm chứng đầy đủ.
Xây dựng và phát triển văn hóa học đường trong thời đại số
Ứng xử giữa thầy và trò không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân mà còn tác động trực tiếp đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Văn hóa học đường trong thời đại số đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi xã hội ngày càng chú trọng tới những giá trị nhân văn trong giáo dục.
Cả giáo viên và học sinh đều phải chủ động, nỗ lực thay đổi để hướng tới một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hạnh phúc. Trong môi trường giáo dục ấy, giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức một chiều cho học sinh mà là người định hướng tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi; còn học sinh là trung tâm, chủ thể của các hoạt động.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: “Văn hóa học đường là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường, khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”.
Để xây dựng văn hóa học đường, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Ở cấp vĩ mô, ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với những mục tiêu và cách tiếp cận mới mẻ. Theo đó, những xu hướng mới của giáo dục như "thầy thiết kế - trò thi công", "dạy học hợp tác" (giữa thầy và trò); "dạy học lấy học sinh làm trung tâm"... đều đặt học sinh lên vị trí chủ thể của giáo dục.
Người thầy đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, gợi mở cho trò tìm kiếm tri thức. Không những được tự do tranh luận, học sinh còn có thể trao đổi, chất vấn thầy cô giáo...
Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” do Bộ GD&ĐT triển khai đã giúp các trường học áp dụng các quy tắc văn hóa ứng xử, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, nơi mối quan hệ giữa thầy và trò dựa trên sự tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng: “Quy tắc ứng xử trong nhà trường cũng cần bỏ những điều hình thức, khẩu hiệu, xa rời thực tế và khó thực hiện.
Nhà trường không chỉ chú trọng giáo dục kiến thức mà còn cần làm tốt việc giáo dục văn hóa, lối sống, tác phong học tập, giao tiếp ứng xử. Thầy, cô là tấm gương thực hiện văn hóa học đường, từ lời nói, xưng hô đến đạo đức, năng lực chuyên môn và quan hệ xã hội.
Sự thân ái, trân trọng nhau giữa thầy và trò sẽ giúp cho môi trường giáo dục trở nên lành mạnh và thân thiện. Quan trọng hơn là sẽ tạo nên được những thế hệ học trò sống biết yêu thương, có trách nhiệm hơn với bản thân, cộng đồng và xã hội”.
Trong thời đại 4.0, giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, sử dụng công nghệ làm công cụ hỗ trợ, đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống "tôn sư trọng đạo". Trước những áp lực về đổi mới giáo dục, giáo viên cần giữ vững vai trò định hướng, đồng hành cùng học sinh trong việc phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống.
Thay đổi là tất yếu, nhưng vẫn cần giữ vững những giá trị văn hóa cốt lõi của giáo dục Việt Nam. Chính sự tương tác, tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò sẽ là nền tảng cho một môi trường học đường lành mạnh, giúp học sinh trưởng thành và thành công trong cuộc sống.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21